'Xưng CSGT TP.HCM, thông báo phạt nguội mà lại hỏi tên, tuổi, địa chỉ của mình'
Anh T.M.N. (34 tuổi, ngụ quận 3) dù chưa từng chạy ôtô nhưng vẫn nhận được cuộc gọi xưng "CSGT TP.HCM" và thông báo ôtô của anh vi phạm lỗi đi vào đường cấm và bị camera ghi lại, đề nghị bấm phím 9 để biết thêm chi tiết.
Chiêu lừa này tuy không mới nhưng vẫn được các đối tượng lừa đảo 'kiên trì' sử dụng. Vậy khi nhận được những cuộc gọi lừa đảo như thế người dân cần làm gì?
Thời gian qua, dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo thủ đoạn mạo danh cảnh sát giao thông (CSGT) gọi điện thoại thông báo vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội) nhằm thực hiện các hành vi lừa đảo nhưng đến nay tình trạng này vẫn còn xảy ra nhiều vô kể.
Hành vi trên không chỉ tạo ra "cái bẫy" với những người nhẹ dạ cả tin mà còn là mối phiền phức với những người đã đề phòng từ trước.
"Một ngày nhận 4 - 5 cuộc gọi thông báo bị phạt nguội"
Phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Đ.C.T. (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết những ngày gần đây có số điện thoại +5906053858xx gọi xưng là CSGT và thông báo xe anh vi phạm tốc độ bị camera ghi lại. Người này còn nói đây là lần thông báo phạt nguội cuối cùng, đề nghị anh T. bấm phím 9 để nhận biên lai.
"Qua báo đài, tôi đã biết đây là những kẻ lừa đảo nên không làm theo hướng dẫn mà cúp máy. Nhưng cứ vài ba ngày bọn lừa đảo lại gọi, có ngày gọi 5, 6 cuộc để thông báo phạt nguội !?", anh T. cho hay.
Tương tự, anh H.H.M. (35 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cũng nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại 00618661386xx, bên kia đầu dây thông báo: "Sở giao thông vận tải thông báo bạn có một biên lai nộp phạt, bấm phím 9 để được kiểm tra". Nghi ngờ lừa đảo, anh M. kiểm tra lại thì phát hiện mã vùng số điện thoại trên thuộc nước Úc.
Còn anh T.M.N. (34 tuổi, ngụ quận 3) dù chưa từng chạy ôtô nhưng vẫn nhận được cuộc gọi xưng "CSGT TP.HCM" và thông báo ôtô của anh vi phạm lỗi đi vào đường cấm và bị camera ghi lại, đề nghị bấm phím 9 để biết thêm chi tiết.
"Nếu là cơ quan chức năng phạt nguội thì đã nắm hết thông tin của mình, đằng này xưng "CSGT thông báo phạt nguội" mà toàn hỏi xin thông tin tên, tuổi, địa chỉ của mình", anh M. lấy làm lạ.
CSGT không gọi điện thoại, nhắn tin thông báo phạt nguội
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC08), đặc thù của việc xử lý phạt nguội phải thực hiện qua nhiều giai đoạn.
Trước hết phải ghi hình các hành vi vi phạm, sau đó trích xuất hình ảnh để có đủ yếu tố xử phạt (thời gian vi phạm, địa điểm vi phạm, tín hiệu giao thông, biển số đăng ký phương tiện), hoàn thành hồ sơ phiếu báo xác định hành vi vi phạm kèm thông báo vi phạm và chuyển đến người vi phạm bằng thư gửi bảo đảm qua đường bưu điện.
Sau 15 ngày mà người vi phạm vẫn chưa đến cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết vụ việc vi phạm hành chính thì Phòng CSGT đường bộ - đường sắt sẽ phối hợp với công an phường, xã, thị trấn để gửi lại thông báo vi phạm tới chủ phương tiện.
Phòng PC08 cũng cho hay thời gian gần đây có một số đối tượng lừa đảo sử dụng điện thoại để thông báo phạt nguội và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn của chúng để chiếm đoạt tài sản.
Phương thức thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng điện thoại, giả danh cơ quan công an, cơ quan bưu điện... gọi đến thuê bao di động hoặc điện thoại bàn của người dân thông báo việc có liên quan đến một biên lai xử phạt nguội về giao thông nhằm làm cho người dân hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.
Sau đó, các đối tượng yêu cầu nạn nhân kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng để chuyển vào tài khoản định sẵn của đối tượng lừa đảo hoặc cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng với vỏ bọc xác minh, điều tra, xử lý phạt nguội. Đồng thời yêu cầu nạn nhân không nói với gia đình, kể cả với nhân viên ngân hàng về mục đích chuyển tiền để chiếm đoạt.
Xử lý như thế nào?
Phòng PC08 đề nghị người dân hết sức cảnh giác với các cuộc gọi điện thoại liên quan đến biên lai phạt nguội giao thông. Khi nhận được các cuộc gọi này, người dân nhanh chóng đến báo tin cho công an địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng có cơ sở điều tra, xác minh, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Đồng thời đề nghị người dân không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, lai lịch, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, thông tin tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng (tên người dùng, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực giao dịch OTP, địa chỉ email...) cho bất kỳ ai với bất kỳ hình thức nào.
Ngoài ra, theo quy định về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác, người dân có thể phản ảnh tin nhắn rác, cuộc gọi rác qua tổng đài 5656 bằng tin nhắn theo cú pháp: V [Nguồn phát tán][Nội dung cuộc gọi rác] hoặc V (Nguồn phát tán)(Nội dung cuộc gọi rác) gửi 5656.
Trung tâm VNCERT/CC (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết dữ liệu phản ảnh tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người dùng trên hệ thống tiếp nhận phản ảnh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác (qua đầu số 5656) là nguồn dữ liệu để cơ quan chức năng triển khai các tính năng hỗ trợ người dùng trong hoạt động phòng chống, ngăn chặn tin nhắn lừa đảo và cuộc gọi lừa đảo.
Cũng theo thông tin từ VNCERT/CC, tính đến tháng 10-2021, hệ thống 5656 đã ghi nhận 30.270 lượt phản ảnh tin nhắn rác (giảm 36,5% so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2020), số tin nhắn rác chặn được là 327 triệu tin (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020).
Tra cứu phạt nguội, đóng phạt trực tuyến qua Zalo của CSGT TP.HCM
Phòng PC08 Công an TP.HCM cho biết đang chạy thử nghiệm kênh thông tin Official Account "Phòng CSGT ĐB-ĐS CATP.HCM" trên nền tảng mạng xã hội Zalo, qua đó tích hợp nhiều ứng dụng liên kết với trang thông tin điện tử của Phòng PC08.
Thông qua trang Zalo này, người dân có thể tra cứu thông tin vi phạm hình ảnh; thực hiện nộp phạt trực tuyến, đăng ký xe trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo: Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/xung-csgt-tp-hcm-thong-bao-phat-nguoi-ma-lai-hoi-ten-tuoi-dia-chi-cua-minh-20220410222342318.htm
Nhận xét
Đăng nhận xét