Kiến nghị xem xét lại 'ba tại chỗ' vì chi phí vận hành quá cao

Cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "ba tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao.

Kiến nghị xem xét lại ba tại chỗ vì chi phí vận hành quá cao - Ảnh 1.

Kiến nghị cho doanh nghiệp được lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp - Ảnh: B.A

Thông tin được nêu ra trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ KH&ĐT) tại hội nghị trực tuyến với một số địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp (KCN) do Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì ngày 20-9.

Theo bộ này, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có những phương án kịp thời để hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới hoạt động của doanh nghiệp.

Các mô hình sản xuất được áp dụng như "ba tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", test nhanh cho người lao động để sản xuất đáp ứng thời hạn các đơn hàng, chủ động tìm nguồn cung nguyên vật liệu, cắt giảm chi phí hoạt động… 

Tuy vậy, Bộ KH&ĐT cho hay ngoài việc thu hút đầu tư vào KCN bị ảnh hưởng thì các doanh nghiệp trong các KCN phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra. 

Tình hình dịch cũng khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nên nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Trong khi đây đều là các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực theo mô hình chuỗi cung ứng như điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may… 

Thực tế, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển ngày một tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất. Dòng tiền vào bị thiếu hụt nghiêm trọng dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn để có thể trang trải các khoản chi phí duy trì hoạt động.

Ngoài ra, hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng; vướng mắc khi vừa triển khai chống dịch vừa sản xuất…

Bộ KH&ĐT cho rằng, ngoài tác động của dịch COVID-19, việc hướng dẫn các chính sách phòng, chống COVID-19 tại các địa phương chưa thống nhất dẫn đến tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hóa và di chuyển của người lao động.

Một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa được triển khai và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ ngắn nên chưa đem lại tác động cho một số doanh nghiệp như: chính sách giãn, giảm thuế; chính sách hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí.

Do đó, trong kiến nghị bộ này nêu ra các giải pháp như thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 thống nhất, không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch với các chính sách mạnh mẽ hơn như miễn, giảm, hoãn, khoanh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT; nguồn vốn. 

Bộ KH&ĐT nêu ra nhóm kiến nghị về cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp để giảm chi phí kinh doanh, tiếp cận nguồn lực. Trong đó, xem xét ban hành các phương án, hình thức tổ chức sản xuất khả thi để doanh nghiệp được lựa chọn phù hợp với từng điều kiện cụ thể. 

Cho phép doanh nghiệp chủ động triển khai các phương án tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện của từng doanh nghiệp; xem xét lại mô hình "ba tại chỗ" do chi phí vận hành quá cao.

Tiếp tục cắt giảm chi phí đầu vào; đồng bộ chính sách như nhà ở công nhân, mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xem xét cho doanh nghiệp chủ động tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp...

Nguồn: tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai