Sáng 6-8: Cả nước thêm 4.009 ca mắc COVID-19, có 823 ca trong cộng đồng

 Sáng 6-8, Bộ Y tế cho biết cả nước đã ghi nhận 4.009 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 2.563 ca. Vào chiều 5-8, Phân hội Cấp cứu Việt Nam đã hội thảo trực tuyến về phương pháp lọc máu hấp phụ, có hiệu quả đáng khích lệ điều trị bệnh nhân nặng.

Sáng 6-8: Cả nước thêm 4.009 ca mắc COVID-19, có 823 ca trong cộng đồng - Ảnh 1.

Người dân chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại quận 7, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Sáng 6-8, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.009 ca nhiễm mới trong nước, gồm tại TP.HCM (2.563 ca), Bình Dương (322), Long An (286), Tiền Giang (253), Đồng Nai (207), Đà Nẵng (77), Vĩnh Long (63), Đồng Tháp (53). 

An Giang (47), Trà Vinh (34), Phú Yên (27), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Gia Lai (14), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (4), Thanh Hóa (4), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (2), Lào Cai (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1), trong đó có 823 ca trong cộng đồng.

Tính đến sáng 6-8, Việt Nam đã ghi nhận 189.066 ca nhiễm, trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 186.732 ca mắc trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 185.162 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 2/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình.

Hơn 400.000 liều vắc xin tiêm trong ngày

Trong ngày có trên 442.420 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là gần 8.061.120 liều, trong đó tiêm 1 mũi là trên 7.241.090 liều, tiêm mũi 2 là trên 820.020 liều.

Ngày 5-8, Bộ Y tế đã tiếp nhận gói viện trợ y tế phòng chống dịch COVID-19 trị giá 500.000 USD từ ông Wibar Abdullah I.Albaseer, đại biện lâm thời Đại sứ quán Saudi Arabia tại Việt Nam.

Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19 làm trưởng đoàn, đã đến làm việc với lãnh đạo các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng ngày, TP.HCM tổ chức tập huấn trực tuyến về quy trình quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện phương án và quy định thí điểm triển khai cách ly F1 tại nhà bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 10-8. 

Theo quy định thí điểm, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ áp dụng thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với 7 nhóm đối tượng gồm: trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi là người tiếp xúc gần với các trường hợp F0, nhưng không có người chăm sóc, phải ở cùng cha hoặc mẹ; 

Cha hoặc mẹ là F1 nhưng là người giám hộ duy nhất chăm sóc con là trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi; Người tiếp xúc gần là phụ nữ có thai, người già từ 70 tuổi trở lên (hoặc từ 65 tuổi trở lên có bệnh nền), người khuyết tật, trẻ em, người bị bệnh hoặc người có sức khỏe yếu phải có người chăm sóc.

Sáng 6-8: Cả nước thêm 4.009 ca mắc COVID-19, có 823 ca trong cộng đồng - Ảnh 2.

Thêm phương pháp cứu bệnh nhân nặng

Chiều 5-8, Phân hội Cấp cứu Việt Nam đã tổ chức hội thảo trực tuyến với trên 100 bác sĩ  tham gia chia sẻ kinh nghiệm phương pháp lọc máu hấp phụ, phương pháp đã được sử dụng có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, hạn chế đáng kể những ca bệnh nặng phải sử dụng phương pháp ECMO.

Theo bác sĩ Thân Sơn Tùng (trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang), trong thời gian dịch bùng phát tại Bắc Giang đã có 10 bệnh nhân được áp dụng sớm phương pháp này, hiệu quả nhận thấy là các chỉ số của bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, đặc biệt ở những bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng.

"Đặc điểm sinh bệnh học của COVID-19 là tăng giải phóng các yếu tố gây viêm, đôi khi phản ứng quá mạnh gây tổn thương đa phủ tạng hay còn gọi là cơn bão Cytokine. Phương pháp lọc máu hấp phụ đã chứng minh hiệu quả trong ngăn chặn bão Cytokine" - bác sĩ Tùng cho biết.

Hiện nay cả nước chỉ có hơn 2.000 bác sĩ làm việc tại khoa hồi sức tích cực, cá biệt có tỉnh ĐBSCL chỉ có 1 bác sĩ về chuyên khoa này, trong khi số bệnh nhân nhiễm COVID-19 chuyển nặng tăng cao, nhân lực y tế gặp sức ép lớn.

Đặc biệt, vấn đề hồi sức tích cực cho bệnh nhân nguy kịch đang lộ rõ nhiều hạn chế, nhiều bệnh viện có giường nhưng không có hệ thống oxy trung tâm, hệ thống khí nén, không sử dụng được máy thở, thiếu hệ thống theo dõi trung tâm, gây khó khăn cho các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi sát diễn biến của người bệnh. Phương pháp mới áp dụng kể trên có thể mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng.

Nguồn: tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai