NÓNG: Dự báo ca nhiễm 150.000 người, Bình Dương điều trị F0 ra sao?
Số ca nhiễm COVID-19 dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vài tuần tới khi tỉ lệ xét nghiệm ca mắc trong cộng đồng vẫn còn rất cao ở các phường bị “khóa chặt, đông cứng”.
Cơ sở vật chất thì tỉnh xây dựng được nhưng lực lượng y tế, bác sĩ, thuốc và vắc xin thì rất cần chi viện. Hiện Bình Dương xây dựng được hàng chục khu thu dung tại “vùng xanh” nhưng có thực trạng là 1 bác sĩ phải phụ trách tới 1.000 người.
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Ngày 26-8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết đang giao cho các đơn vị chuyên môn chuẩn bị cho kịch bản số ca nhiễm sẽ lên tới 150.000 người.
Hiện tổng ca F0 tại Bình Dương là 81.182 người (tính tới hết ngày 25-8) và dự báo sẽ tăng thêm 50.000 F0 trong vòng hai tuần. Đây là những dự báo rất "nóng", khác hẳn những dự báo được đưa ra vào đầu tháng mới chỉ chuẩn bị cho kịch bản ca mắc khoảng 30.000 người.
4 huyện vùng xanh, 11 phường "khóa chặt, đông cứng"
Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết bên cạnh những lo lắng chung thì tình hình dịch ở các huyện, thị xã phía bắc của tỉnh có chuyển biến tương đối tốt, trong đó có 4 huyện đạt tiêu chí của "vùng xanh" (tiếp giáp nhau) là: Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng. Do tình hình dịch nói chung vẫn đang phức tạp, còn ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng nên các huyện này tiếp tục thực hiện chỉ thị 16 và chỉ "nới lỏng" từng bước nếu dịch bệnh lắng xuống.
Các "điểm nóng" nhất tại Bình Dương hiện nay là ba đô thị phía nam (đều giáp hoặc gần với TP.HCM) là: Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An. Trong đó, thị xã Tân Uyên đang nổi lên với số ca F0 trong cộng đồng được phát hiện thông qua lấy mẫu rộng rãi rất lớn.
Các ca F0 trong cộng đồng được đánh giá là "đậm đặc" tại 11 phường bị "khóa chặt, đông cứng" (gồm 4 phường của Thuận An và 7 phường của Tân Uyên). Tuy phạm vi địa lý không lớn nhưng 11 phường nói trên lại tập trung dân số bằng 1/4 tổng dân số của Bình Dương.
Việc lấy mẫu cho trên 1,2 triệu dân từ đầu tháng 8-2021 tới nay cho kết quả gần 35.000 người dương tính (tỉ lệ khoảng 2,9%). Ngoài ra, xét nghiệm trong các khu công nghiệp cũng cho kết quả 130 công ty có ca F0 với tổng cộng 323 người.
F0 xuất viện cao, vẫn thiếu nhiều bác sĩ
Mặc dù số ca F0 cao nhưng ghi nhận thì số bệnh nhân được xuất viện cũng có tỉ lệ khá lớn. Tới nay đã có tổng cộng 45.000 bệnh nhân COVID-19 được xuất viện. Trên 15.600 F0 đang cách ly điều trị tại cơ sở y tế và gần 3.400 F0 được cách ly tại nhà... Đã có 670 người tử vong vì COVID-19 (chưa tính những ca test nhanh tử vong).
Số ca F0 cao, Bình Dương đang điều trị như thế nào? Theo Sở Y tế, tỉnh Bình Dương cũng thực hiện mô hình điều trị theo tháp "3 tầng" gồm: tầng 1 (F0 nhẹ, không triệu chứng gồm 12 cơ sở y tế, năng lực 6.350 giường), tầng 2 (F0 có triệu chứng, bệnh trung bình gồm 9 cơ sở y tế, năng lực trên 8.000 giường) và tầng 3 (bệnh nhân nặng, hồi sức gồm 2 cơ sở y tế, năng lực 837 giường).
Ngoài ra, do đang đẩy mạnh lấy mẫu xét nghiệm nên Bình Dương còn xây dựng thêm các khu cách ly tạm thời cho người test nhanh dương tính chờ kết quả PCR.
Nhiều đoàn chi viện cho Bình Dương đã kết thúc thời gian và đã rời đi như Đại học Y Hà Nội, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương - đoàn 2, Đại học Y Tây Nguyên và đoàn y tế tỉnh Lâm Đồng. Hiện Bình Dương huy động tối đa các y, bác sĩ của hệ thống y tế tư nhân cùng tham gia chống dịch...
Để chuẩn bị cho kịch bản có tới 150.000 ca F0 thì Bình Dương đang gấp rút xây thêm bệnh viện dã chiến và kêu gọi sự chi viện về bác sĩ, điều dưỡng, thuốc men và vắc xin từ Bộ Y tế và các tỉnh, thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết tỉnh đang gấp rút phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ đưa vào hoạt động thêm 7.000 giường ở khu điều trị Thới Hòa (nâng tổng công suất lên 12.300 giường) và sẽ có kế hoạch thêm 10.000 giường nữa. Bệnh viện dã chiến số 4 tại Bàu Bàng cũng được doanh nghiệp hỗ trợ tăng thêm 3.300 giường (tổng cộng 6.300 giường) và có kế hoạch lên tới 10.000 giường.
Bình Dương đã cạn vắc xin
Mặc dù là một trong hai địa bàn (cùng với TP.HCM) nóng nhất cả nước về ca nhiễm COVID-19 nhưng hiện lượng vắc xin mà Bình Dương được phân bổ còn khiêm tốn và đã "cạn".
Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết tới hết ngày 25-8 đã tiêm được trên 806.000 liều vắc xin (trong tổng số trên 833.000 liều vắc xin được phân bổ). Trong đó, từ ngày 20-8, tỉnh có trên 265.000 liều (chủ yếu là AstraZeneca: 250.000 liều, Pfizer: 15.200 liều) của đợt phân bổ thứ 21 và 22, thì tới hết ngày 25-8 đã tiêm được trên 242.000 liều. Hầu hết những người được tiêm vắc xin tại Bình Dương mới có mũi 1.
Nguồn: tuoitre.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét