Nghiên cứu: Vắc xin Moderna hiệu quả với biến thể Delta hơn vắc xin Pfizer
Nghiên cứu tại Mỹ, Israel và Canada cho thấy vắc xin COVID-19 của Moderna nhỉnh hơn về hiệu quả trước biến thể Delta so với vắc xin COVID-19 của Pfizer dù cả hai cùng sử dụng công nghệ mRNA.
Theo Hãng tin Reuters, vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech có thể ít hiệu quả hơn trước biến thể Delta, theo 2 nghiên cứu đăng trên trang medRxiv.
Một trong hai nghiên cứu đã phân tích số liệu của hơn 50.000 người được tiêm vắc xin trên hệ thống của Bệnh viện Mayo tại Mỹ.
Hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 của Moderna giảm còn 76% vào tháng 7-2021, thời điểm biến thể Delta chiếm đại đa số ở Mỹ từ mức 86% hồi đầu năm nay. Trong cùng giai đoạn, vắc xin Pfizer/BioNTech giảm hiệu quả còn 42% từ mức 76%.
Cả hai nghiên cứu đều kết luận vắc xin hiệu quả cao trong việc bảo vệ bệnh nhân khỏi nhập viện.
Bác sĩ Venky Soundararajan ở Công ty phân tích dữ liệu Massachusetts, trưởng nhóm nghiên cứu, cho rằng liều tiêm bổ sung thứ ba bằng vắc xin Moderna có thể sẽ cần thiết với những ai đã tiêm đầy đủ trước đây, kể cả bằng loại vắc xin khác.
Trong nghiên cứu ở Canada, các cụ cao niên tại một nhà dưỡng lão ở Ontario có phản ứng miễn dịch mạnh hơn, đặc biệt là với các biến thể đáng quan ngại, sau khi tiêm vắc xin Moderna so với các cụ đã tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.
Anne-Claude Gingras, chủ nhiệm nghiên cứu của Viện Lunenfeld-Tanenbaum, Toronto cho rằng các cụ cao niên có thể cần vắc xin liều cao hơn, hoặc tiêm bổ sung liều thứ 3 và các biện pháp phòng bệnh khác.
Tại Israel, phân tích dữ liệu từ thực tế chỉ ra những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin COVID-19 của Pfizer/BioNTech từ 5 tháng trở lên có nhiều khả năng dương tính với virus hơn người tiêm đầy đủ vắc xin dưới 5 tháng.
Nghiên cứu phân tích kết quả của gần 34.000 người đã tiêm vắc xin đầy đủ, chủ yếu ở Israel và có làm xét nghiệm virus để tìm hiểu về các trường hợp vẫn nhiễm COVID-19 dù đã tiêm vắc xin đầy đủ.
Kết quả, tỉ lệ tiêm vắc xin đầy đủ mà vẫn nhiễm trong số gần 34.000 người trong nghiên cứu là 1,8%. Ở tất cả các nhóm tuổi, khả năng bị dương tính cao hơn ở những người đã hoàn thành tiêm chủng ít nhất 146 ngày.
Ở nhóm từ 60 tuổi trở lên, khả năng dương tính cao hơn gấp 3 lần từ ngày thứ 146 trở đi sau khi tiêm liều thứ 2.
Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định rất ít trường hợp phải nhập viện, và vẫn còn quá sớm để đánh giá về tình trạng nặng nhẹ của các ca nhiễm COVID-19 sau tiêm về các khía cạnh như số người nhập viện, cần thở máy hoặc tử vong.
Nguồn: tuoitre.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét