Một hành trình hồi hương đã không bao giờ về tới đích...

 Trong dòng người hồi hương từ tâm dịch, rạng sáng 30-7, 10 lao động quê ở Thanh Hóa đã cùng nhau đi trên 5 xe máy để về quê. Nhưng hành trình của họ đã gặp nạn trên quốc lộ 1 đoạn qua Bình Thuận khiến một lao động mãi chẳng thể về tới quê.

Một hành trình hồi hương đã không bao giờ về tới đích - Ảnh 1.

Nhóm lao động quê ở Yên Thọ (Như Thanh, Thanh Hóa) trên đường về quê nhà - Ảnh: B.D.

Sáng nay 2-8, anh Lê Văn Vinh (38 tuổi, quê ở Yên Thọ) - một trong 10 người trong đoàn đi xe máy từ TP.HCM về xã Yên Thọ, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) - cho biết sau gần 3 ngày đi xe máy, cả nhóm đã về tới tỉnh Nghệ An, hiện nhóm còn cách quê nhà khoảng 3 tiếng chạy xe. 

Ông Vũ Văn Bình (57 tuổi) - người đi cùng đoàn, gặp nạn ở Bình Thuận trưa 30-7 - cũng đã được đưa về quê để làm tang lễ.

Chuyến hồi hương định mệnh

Tuổi Trẻ gặp nhóm của anh Lê Văn Vinh khi đang theo nhau đưa xe máy qua đèo Hải Vân. Cầm trên tay biên bản công an bàn giao tài sản cho người bị nạn, anh Vinh cho biết nhóm anh gồm 10 anh em, đều quê ở Yên Thọ, Thanh Hóa vào TP.HCM làm thợ hồ.

Khi dịch ập đến, dù mất việc nhưng các gia đình vẫn nán lại để chờ đợi nhưng rạng sáng 30-7 buộc phải rời thành phố vì tình hình càng phức tạp. Cả nhóm đi trên 5 xe máy, trong đó ông Vũ Văn Bình chở theo sau xe đồ đạc cùng người vợ là bà Phạm Thị Vui (53 tuổi).

Một hành trình hồi hương đã không bao giờ về tới đích - Ảnh 2.

Biên bản bàn giao tài sản của công an cho gia đình người gặp nạn - Ảnh: B.D.

12h30 trưa 30-7, sau hơn nửa ngày chạy xe liên tục, cả nhóm đi qua quốc lộ 1 đoạn qua khối phố 1, thị trấn Tân Nghĩa (Hàm Tân, Bình Thuận) thì ông Bình có dấu hiệu kiệt sức. Chiếc xe của hai vợ chồng lao vào một ôtô đậu bên lề đường.

"Anh em chúng tôi hoảng loạn, dừng xe lại để bế anh Bình đi cấp cứu thì đã thấy anh tắt thở, máu chảy tràn. Chị Vui cũng bị chấn thương rất nặng và được chở đi viện cấp cứu" - anh Vinh kể.

Hành trình xót xa của những người khốn khó

Anh Vinh cho biết theo kế hoạch của mấy anh em thì sẽ về đến quê nhà sau khoảng 2 ngày. Tuy nhiên vụ tai nạn bất ngờ đã khiến ông Bình tử vong. 

Hành trình của người đàn ông khốn khó này sẽ mãi không thể về tới quê nhà. Cả nhóm nán lại một ngày để lo tròn các công việc hậu sự, đưa ông Bình lên xe cứu thương về quê hương mai táng.

Một hành trình hồi hương đã không bao giờ về tới đích - Ảnh 3.

Anh Lê Văn Vinh cùng vợ tiếp tục trở về nhà sau khi người đồng hành là ông Vũ Văn Bình đã nằm lại trên quốc lộ 1 - Ảnh: B.D.

Anh Vinh cho biết khi ông Bình tử nạn, bà Vui được chuyển viện cấp cứu và hồi tỉnh sau đó. Dù bị thương rất nặng nhưng biết chồng đã tử vong, đường về nhà còn quá xa, tình hình cách ly nghiêm ngặt giữa các tỉnh nên bà Vui đã lên xe chở thi thể theo chồng về Thanh Hóa. 

Chiếc xe gặp nạn được giữ lại để điều tra, một người trong đoàn cũng đã bán nóng chiếc xe máy đang đi để làm lộ phí, ngồi lên xe tang đưa ông Bình cùng vợ về quê.

"Sau khi lo hậu sự xong cho anh Bình, anh em tôi lại tiếp tục lên đường. Chạy trên đường về mà lòng rối bời, dù rất đói nhưng không ai ăn uống gì được, chỉ mong về tới nhà nhưng càng đi càng thấy đường xa. Lúc ra về thì đi năm chiếc xe máy mà giờ một người đã chết, hai xe máy đã nằm lại, nhóm chúng tôi giờ còn lại bảy người" - anh Vinh nói.

Khoản lộ phí nhói lòng

Anh Vinh đưa cho chúng tôi mẩu giấy, trong đó công an ghi rõ tổng số tiền mà ông Bình cùng vợ cầm lúc đi đường khi gặp nạn là 2.382.000 đồng.

"Nhà anh Bình rất nghèo, hai vợ chồng gửi con ở quê rồi đi vào Nam làm ăn. Trước ngày về, do không có xe máy, tiền thì đã hết mà cũng không thể ở lại TP.HCM được nữa nên phải nhờ con gửi vào 10 triệu đồng để mua một xe máy cũ. Đó là chiếc xe mà hai vợ chồng đã đèo nhau về quê và bị nạn" - anh Vinh nói.

Nguồn: tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai