Đi 5 cơ sở y tế không được cấp cứu, bệnh nhân về đến phòng trọ thì chết
Người bệnh chuyển biến nặng nhưng chạy lòng vòng 5 cơ sở y tế, trong đó có 3 bệnh viện và 2 phòng khám nhưng không được nơi nào tiếp nhận điều trị, cuối cùng phải trở về phòng trọ rồi tử vong.
Ngày 14-8, gia đình ông N.D. (57 tuổi, quê huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) đã tổ chức đám tang cho ông sau khi ông tử vong vì bị tai biến tại nhà trọ ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Gia đình ông D., bên cạnh sự đau buồn vì mất người thân, còn uất ức vì ông D. qua đời sau khi bị các cơ sở y tế từ chối điều trị.
Chị Ngô Phượng, con gái của ông D., kể lại: khoảng 20h tối 13-8, ông D. bị nôn ói nên gia đình gọi xe cấp cứu nhưng không được. Tình thế cấp bách, gia đình được hàng xóm dùng xe tải để chở ông D. đi cấp cứu.
Tuy nhiên, khi tới cơ sở y tế đầu tiên là Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, nơi đây không nhận vì đang điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại địa điểm thứ hai là Phòng khám Ngọc Hồng, ông D. được đưa vào phòng khám. Ông D. và người đi cùng được test nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hỏi tiền sử bệnh (ông D. bị cao huyết áp, từng bị đột quỵ), bác sĩ tại phòng khám này cho biết tình trạng của ông D. quá nặng, vượt khả năng của phòng khám nên đề nghị cho ông D. chuyển viện lên tuyến trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Phòng khám đa khoa Ngọc Hồng cho rằng có tiếp nhận ông D. nhưng vì diễn biến của ông D. nặng, phòng khám không đủ điều kiện để điều trị nên đã đề nghị chuyển lên tuyến trên.
"Phòng khám có 2 xe cấp cứu nhưng lúc này đều đã được điều đi chở bệnh nhân, trong khi người nhà bệnh nhân có xe tải đưa bệnh nhân đến nên bác sĩ hướng dẫn chuyển ông D. tới Bệnh viện Quân đoàn 4 vì ở bệnh viện có cơ sở vật chất và nhân sự tốt hơn" - đại diện phòng khám cho hay.
Tuy nhiên, sau khi rời phòng khám, gia đình đã đưa ông D. tới 3 cơ sở y tế tiếp theo, lần lượt là Bệnh viện Quân đoàn 4, Bệnh viện đa khoa An Phú và Phòng khám đa khoa tư nhân Nam Anh nhưng không nơi nào nhận vì cho rằng các bác sĩ đã đi chống dịch và không đủ trang thiết bị cấp cứu.
Cuối cùng, ông D. đã không được cơ sở y tế nào điều trị.
Tới 1h sáng 14-8, người nhà phải chở ông D. về phòng trọ. Ba tiếng sau, ông trút hơi thở cuối cùng.
Giá mà ba em được cấp cứu thì có thể đã không ảnh hưởng đến tính mạng.
Chị Ngô Phượng, con gái ông D., xúc động nói
UBND tỉnh Bình Dương ngày 14-8 có văn bản yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám... không được từ chối bệnh nhân cấp cứu. Sở sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn tình trạng người bệnh không được cấp cứu, điều trị vì cơ sở y tế quá tải. Ngay cả các bệnh viện công như Trung tâm y tế Dĩ An, Thuận An hay Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thì người dân có các nhu cầu y tế khác rất khó tiếp cận do các cơ sở này đang tập trung điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nhiều phòng khám, cơ sở y tế tuyến dưới phản ánh khi có ca bệnh nặng cũng rất khó khăn để được chuyển viện tới bệnh viện tuyến trên.
Nhận xét
Đăng nhận xét