Trên 12.000 ca mắc COVID-19, Bình Dương ứng phó ra sao?
Tính đến 19h tối 30-7, Bình Dương đã ghi nhận 12.604 ca mắc COVID-19. Vì sao tỉnh này trở thành 'điểm nóng' chỉ sau TP.HCM? Kế hoạch ứng phó của tỉnh ra sao?
Thông tin số ca mắc COVID-19 tại Bình Dương vượt mốc 10.000 khiến rất nhiều người quan tâm. Số ca mắc mới tăng nhanh một phần đáng lo, nhưng ở khía cạnh tích cực cho thấy việc xét nghiệm toàn dân, truy tìm F0 trong cộng đồng đang đạt kết quả.
Vì sao số ca COVID-19 liên tục lập đỉnh mới?
Theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương, nhiều ca mắc COVID-19 ở tỉnh có nguồn lây từ TP.HCM do những đặc thù gần gũi giữa hai địa phương.
Cạnh đó, môi trường làm việc tại nhiều nhà máy tập trung đông công nhân (mỗi nhà máy từ vài trăm đến vài ngàn người), nên khi một nhà máy có COVID-19 thì số ca mắc tại nhà máy đó khá nhiều.
Đã có nhiều doanh nghiệp ghi nhận hàng trăm ca F0, ngay cả doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ", như Công ty gỗ Long Việt 248 ca, Công ty TNHH Timberland 233 ca, Công ty Wanek cũng có hàng trăm ca... (theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh).
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, ở khía cạnh tích cực, số ca dương tính được công bố những ngày gần đây tăng cao một phần là do tỉnh đã nhận được sự hỗ trợ nên đang tăng cường lấy mẫu trong toàn dân để phát hiện ca mắc trong cộng đồng.
Qua 12 ngày xét nghiệm diện rộng, Bình Dương đã lấy mẫu được khoảng 40% dân số (tương đương 978.000 người) và phát hiện hơn 10.000 người nghi mắc (tỉ lệ 1,1%), đang gửi mẫu đi xét nghiệm khẳng định bằng PCR.
Hiện tại Bình Dương đang tiếp tục xét nghiệm sàng lọc cho 1,8 triệu người. Dự báo trong hai tuần tới sẽ có khoảng 20.000 ca mắc mới
Ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương
Kịch bản ứng phó nào?
Để ứng phó với số ca mắc đang tăng, tỉnh đã tăng năng lực đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm, cách ly và bệnh viện điều trị. Về năng lực y tế, tới nay đã có 3.500 người gồm bác sĩ, các tình nguyện viên, sinh viên y khoa được Bộ Y tế và các tỉnh tới Bình Dương hỗ trợ xét nghiệm.
Tỉnh đã có kế hoạch xây dựng khu điều trị F0 công suất tới 20.000 giường và khu cách ly tập trung F1 tới 100.000 giường.
Nhiều khu điều trị dã chiến được gấp rút xây dựng. Thế nhưng, vấn đề lo nhất của Bình Dương là thiếu bác sĩ, điều dưỡng.
Theo một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp lâu năm tại Bình Dương, bình thường tỉ lệ bác sĩ trên dân số của tỉnh đã không đạt mục tiêu, nên nay xảy ra dịch bệnh thì hạn chế này càng bộc lộ rõ. Các bệnh viện dã chiến, giường bệnh có thể có ngay, nhưng nhân sự có chuyên môn y tế để vận hành thì không phải chuyện "một sớm một chiều".
"Để chuẩn bị cho phương án có 20.000 ca F0, tỉnh đang đề nghị trung ương hỗ trợ thêm gần 1.500 bác sĩ và trên 4.000 điều dưỡng, kỹ thuật viên và các trang thiết bị y tế" - báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương nêu.
Các lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi sự đóng góp, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và nhiều doanh nhân đã nỗ lực tìm mua máy móc, xe cấp cứu để hỗ trợ chống dịch.
Giải pháp lâu dài là vắc xin, nhưng hiện việc tiêm vắc xin tại Bình Dương còn rất hạn chế do thiếu nguồn vắc xin. Theo UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh đang triển khai tiêm 21.000 liều, cộng với hơn 76.000 liều đã tiêm thì tới nay tỉnh có chưa tới 100.000 người được tiêm.
Theo kế hoạch tiêm vắc xin giai đoạn 2021-2022, mục tiêu là trên 95% công dân trên 18 tuổi (tổng cộng gần 1,5 triệu người) ở tỉnh sẽ được tiêm vắc xin với nhu cầu hơn 3,2 triệu liều (mỗi người tối thiểu 2 liều).
Ông Mai Hữu Tín, chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương, cho biết Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương và Bộ Y tế cho phép tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 3 cho 200.000 tình nguyện viên là người đang làm việc trong các hiệp hội, các doanh nghiệp thành viên của liên đoàn. Tuy nhiên, hiện nay UBND tỉnh Bình Dương chưa có phản hồi về kiến nghị này.
Giải pháp về vắc xin là tốt nhất để chống COVID-19, nhưng nguồn cung cấp vắc xin còn hạn hẹp. Trong khi liên đoàn có sự tin tưởng vào vắc xin Nano Covax được sản xuất trong nước nên đã mạnh dạn đề xuất thử nghiệm.
Ông Mai Hữu Tín - chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương
Liên tục lập đỉnh mới về số ca mắc trong ngày
Khi bắt đầu đợt bùng phát dịch thứ tư, mỗi ngày tỉnh Bình Dương chỉ ghi nhận vài chục đến xấp xỉ một trăm ca mới mỗi ngày. Nhưng trong khoảng 10 ngày trở lại đây, theo công bố của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, số ca mắc mới tại Bình Dương thường xuyên đạt trên 500 ca mỗi ngày.
Đã có 3 lần số ca mắc ở tỉnh vượt 4 con số mỗi ngày gồm: 1.064 ca (ngày 25-7), 1.144 ca (ngày 29-7) và 1.284 ca (chỉ tính riêng sáng 30-7).
Nguồn: tuoitre.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét