Vì sao nhiều người muốn nhập cư vào Bình Dương?
Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam, cứ 5 người dân trên 5 tuổi của tỉnh Bình Dương thì có một người là người nhập cư từ tỉnh khác đến (tổng số người nhập cư lên tới 489.000 người).
Theo báo cáo Chỉ số PAPI 2020, vấn đề di cư đang trở thành mối quan tâm lớn ở Việt Nam vì một số lý do. Thứ nhất, người dân di cư vì lý do sinh kế (yếu tố kinh tế). Di cư giữa các tỉnh, thành phố có xu hướng ngày càng gia tăng trong thập niên vừa qua bởi Việt Nam đang phát triển nền kinh tế hỗn hợp trong đó sản xuất công nghiệp, các trung tâm đô thị lớn và các ngành dịch vụ phát triển nhanh chóng.
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được công bố vào đầu năm 2020, 12 trong số 63 tỉnh, thành phố tiếp nhận số lượng lớn người di cư từ các tỉnh khác đến.
Có 6,48% số người được hỏi cho biết họ muốn di cư lâu dài ra khỏi địa phương họ đang cư trú. Các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung có tỉ lệ người mong muốn rời đi nhiều nhất. Có tới 19% số người được hỏi ở tỉnh Đắk Nông cho biết họ muốn chuyển đi nơi khác. Trái lại, tương tự với phát hiện nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác, người đang sống ở các thành phố lớn ít có nhu cầu di cư hơn.
Đặc biệt, theo báo cáo, tại các tỉnh công nghiệp lớn như Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh, tỷ lệ dân nhập cư vào tỉnh (tỷ suất nhập cư thuần dương) cao gấp 5 lần tỷ lệ xuất cư (tỷ suất xuất cư thuần dương).
Ở Bình Dương, tỷ lệ di cư thuần dương (nhập cư lớn hơn xuất cư) là 204%. Cứ 5 người dân trên 5 tuổi (tổng dân số trên 5 tuổi là 2,3 triệu người) của tỉnh Bình Dương thì có một người là người nhập cư từ tỉnh khác đến (tổng số người nhập cư là 489.000 người).
Bình Dương cũng đứng thứ 6/63 tỉnh thành trong danh sách các địa phương có nhiều người muốn di cư đến nhất. Theo báo cáo, người muốn nhập cư lựa chọn Bình Dương, hay Đồng Nai vì đây là các tỉnh công nghiệp lớn trên cả nước.
Nhóm nghiên cứu PAPI cho rằng, nhìn chung, đô thị hóa và cơ hội việc làm là yếu tố chính thu hút người nhập cư từ các địa phương khác. Tương tự ở nhiều quốc gia khác, phần lớn người di cư ở Việt Nam cũng muốn chuyển tới các đô thị lớn và các vùng phụ cận trong nước.
Một lý do nữa thúc đẩy di cư được đề cập đến nhiều trong năm 2020 là tác động của biến đổi khí hậu. Công chúng quan tâm tới thông tin về khả năng biến đổi khí hậu tác động đến Việt Nam sau khi các bản đồ dự báo tác động đến 2050 được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Những bản đồ này mô hình hóa khả năng những vùng đất rộng lớn của Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có thể bị ngập lụt vào năm 2050. Những dự báo về lụt lội ở quy mô lớn và nặng nề đó làm dấy lên lo ngại về làn sóng “tị nạn khí hậu”, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn ở Việt Nam.
Theo Nhịp sống kinh tế
Nhận xét
Đăng nhận xét