Bình Dương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, hơn cả TP.HCM và Hà Nội
Đây là kết quả được Tổng cục Thống kê khảo sát 46.995 hộ dân tại 63 tỉnh, thành phố ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn.
Thu nhập người dân giảm 2%
Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,23 triệu đồng, giảm khoảng 2% so với năm 2019.
Trong khi bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người hằng tháng của cả nước tăng 8,1%. Dịch bệnh đang ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của đa số người dân.
Trong năm 2020, người dân ở khu vực thành thị có thu nhập 5,5 triệu đồng/tháng, cao gấp gần 1,6 lần người dân khu vực nông thôn, khoảng 3,48 triệu đồng/tháng.
Nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 9,1 triệu đồng, cao hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số), với mức thu nhập đạt 1,13 triệu đồng.
Người dân vùng Đông Nam Bộ có thu nhập bình quân cao nhất cả nước, đạt 6,02 triệu đồng/tháng, cao gấp 2,2 lần vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đạt khoảng 2,74 triệu/tháng.
Tỉnh Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đạt 7,019 triệu đồng/tháng.
TP.HCM đứng thứ hai với 6,537 triệu đồng/tháng, Hà Nội ở vị trí thứ ba với 5,981 triệu đồng/tháng.
Theo sau là các tỉnh thành có thu nhập trên 5 triệu đồng/người/tháng là Đồng Nai, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018.
Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước.
Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng, trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần.
Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình, xấp xỉ 3,9 triệu đồng/người/tháng.
Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất, khoảng 2,1 triệu đồng/người/tháng.
Chi đời sống chiếm tỉ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,69 triệu đồng và không phải ăn uống xấp xỉ 1,2 triệu đồng.
Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm giàu xấp xỉ 4,8 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm nghèo.
Tăng ăn thịt, uống bia, giảm ăn gạo
Khảo sát của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tiêu dùng lương thực, thực phẩm của các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột như giảm ăn gạo, lượng tiêu thụ gạo từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 giảm xuống 7,6 kg/người/tháng vào năm 2020.
Các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5kg so với 6,1kg/người/tháng).
Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất ăn gạo nhiều hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,0kg so với 6,6kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ, từ 1,8kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3kg/người/tháng năm 2020.
Tiêu thụ trứng trong năm 2020 tăng, chủ yếu do năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng trứng để bổ sung dinh dưỡng thay các loại thực phẩm khác.
Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2018 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Trung bình, người khá giả uống 2,4 lít rươu bia/tháng, người nghèo uống 1,3 lít rượu bia/tháng.
Tổng cục Thống kê cho biết xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì ba chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét