Sáng 30-4, thêm 3 ca COVID-19 cộng đồng, giao quân đội quản lý khu cách ly ở Hà Nam
- CA BỆNH 2911 (BN2911) ghi nhận tại Hà Nội: Bệnh nhân nam, 28 tuổi, địa chỉ tại xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, là F1 của BN2899.
Ngày 22-4, bệnh nhân đi ăn liên hoan cùng BN2899 tại thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ngày 29-4, bệnh nhân có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
- CA BỆNH 2912 (BN2912) ghi nhận tại Hưng Yên: Bệnh nhân nữ, 2 tuổi, địa chỉ tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, là F1 của BN2899.
Bệnh nhân có tiếp xúc gần với BN2899 ngày 22-4 tại xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Ngày 29-4, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
- CA BỆNH 2913 (BN2913) ghi nhận tại Hưng Yên: Bệnh nhân nữ, 58 tuổi, địa chỉ tại xã Tiên Tiến, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, là bà nội của BN2912.
Bệnh nhân thường xuyên tiếp xúc gần với BN2912.
Ngày 29-4, bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly điều trị tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.
- CA BỆNH 2914 (BN2914) cách ly ngay sau nhập cảnh tại Quảng Trị: Bệnh nhân nữ, 34 tuổi, có địa chỉ tại quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
Ngày 27-4, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu Lao Bảo và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Trị.
Kết quả xét nghiệm ngày 29-4 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện các bệnh Phổi tỉnh Quảng Trị.
Quyết liệt xử lý ổ dịch tại Hà Nam
Với 4 ca bệnh mới, số mắc cả nước đã tăng lên 2.914 bệnh nhân tính từ đầu vụ dịch, trong đó có 2.516 người đã khỏi bệnh và được ra viện. Trong đó, riêng chùm ca bệnh xuất phát từ Hà Nam (bắt đầu từ bệnh nhân 2899) đã ghi nhận 8 bệnh nhân tại 4 địa phương cho đến nay, trong số này có 2 trẻ em.
Ngày 29-4 đã có thêm trên 78.400 người được tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, số người được tiêm chủng tại Việt Nam cho đến nay vượt 504.000 người, tỷ lệ gặp các phản ứng nhẹ sau tiêm như đau chỗ tiêm, sưng vị trí tiêm, sốt nhẹ... khoảng trên 25%, tuy nhiên các phản ứng này đều sớm hồi phục. Một số trường hợp gặp phản ứng nặng hơn và đều được cấp cứu kịp thời.
Ngay khi đã xuất hiện chùm ca bệnh COVID-19 trong gia đình gồm 5 người mắc với nguồn lây từ nam thanh niên vừa hết cách ly tập trung, chiều tối 29-4, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế, đã về Hà Nam làm việc khẩn với địa phương về công tác phòng chống dịch.
Trong số các biện pháp quyết liệt thực hiện ngay có việc phải lấy mẫu toàn bộ 1.068 nhân khẩu của 322 hộ gia đình ngay trong đêm, thực hiện cách ly tập trung quyết liệt các ca có nguy cơ...
Hiện Hà Nam có hai cơ sở cách ly, Bộ trưởng Thanh Long yêu cầu phải chuẩn bị kịch bản kỹ cho cơ sở cách ly, giao cho quân đội quản lý, lực lượng y tế chỉ hỗ trợ chuyên môn, tránh trường hợp lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Theo PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để thần tốc truy vết F1, Hà Nam cần huy động sự vào cuộc của cả ngành công an. Nếu phát hiện F1 thì đưa ngay ra khỏi cộng đồng và lấy ngay mẫu xét nghiệm đơn, tuyệt đối không mẫu gộp.
Đối với những địa điểm đã phong tỏa, PGS.TS Trần Như Dương đề nghị Hà Nam phải yêu cầu thực hiện giãn cách triệt để, nhà cách ly nhà, không để người này sang nhà người kia trong khu phong toả.
Số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới tính đến 6h sáng 30-4 đã vượt qua mốc 151 triệu ca (151.081.227), trong đó tổng số trường hợp tử vong là 3.177.692 ca nhưng cũng đã có 128.413.168 ca đã bình phục.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong vòng 24 giờ, cả nước Ấn Độ có thêm 386.829 ca mắc COVID-19 mới và 3.501 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 18.754.925 người, trong đó 208.313 bệnh nhân đã không qua khỏi.
Khủng hoảng như ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu
Ngày 29-4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ.
Theo thống kê của WHO, Ấn Độ chiếm tới 38% tổng số ca mắc mới, tương đương 2.172.063 ca, được ghi nhận trong giai đoạn 7 ngày (kết thúc vào ngày 25-4).
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge cho rằng các nước không nên phạm sai lầm khi nới lỏng các biện pháp hạn chế một cách quá sớm nhằm tránh các làn sóng lây nhiễm mới. Ông lưu ý rằng trong khi số ca mắc mới trong khu vực giảm "đáng kể" vào tuần trước, lần đầu tiên sau hai tháng, nhưng "tỷ lệ lây nhiễm trên toàn khu vực vẫn rất cao".
Phát biểu với báo giới, ông Kluge nêu rõ: "Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vắc xin còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu".
Trong những ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong vì COVID-19 đã tăng vọt tại Ấn Độ mà theo các chuyên gia thì một phần là do các hoạt động tập trung đông người tại đất nước 1,3 tỉ dân. Các chuyên gia cho rằng các cuộc tụ tập đông người - chẳng hạn như tại các trận đấu thể thao hoặc đám cưới - là một phần nguyên nhân dẫn đến bùng nổ số ca mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ.
Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, có ký hiệu B.1.617, hiện đang càn quét đất nước này, nhưng WHO vẫn chưa xác nhận liệu nó có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các chủng virus khác hay không.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, với tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 32.986.039 ca, trong đó có 588.361 ca tử vong. Tuy nhiên, số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia này đã chững lại đáng kể.
Nhận xét
Đăng nhận xét