Loạn quảng cáo 'thần y', 'thần dược': Sẽ có quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung vi phạm
Đối phó với tình trạng loạn quảng cáo "thần y", "thần dược" gây bức xúc lẫn lo lắng trong xã hội, Bộ Thông tin và truyền thông đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để tạo công cụ quản lý mạnh mẽ hơn, trong đó có đề xuất bổ sung quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, ông Lưu Đình Phúc - cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - cho rằng các nền tảng nội dung xuyên biên giới đã cá nhân hóa quảng cáo (quảng cáo hướng đối tượng, nội dung theo nhu cầu người xem) trong khi các nền tảng trong nước chưa làm được điều đó, nên chúng ta không chỉ mất thị phần quảng cáo mà còn phải đối mặt với tình trạng nhiều sản phẩm, dịch vụ không phép tràn lan.
"Các quảng cáo hướng đối tượng hoàn toàn có thể tạo ra các nội dung quảng cáo vi phạm pháp luật như quảng cáo game lậu, bài bạc, chất kích thích, thực phẩm chức năng sai sự thật... và nhắm vào các nhóm đối tượng liên quan hoặc dễ bị mắc lừa mà không chịu bất cứ sự kiểm soát nào của cơ quan quản lý.
Các cơ quan quản lý chỉ xử lý trách nhiệm của các nhà quảng cáo, hãng quảng cáo. Trong khi đó, việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về quảng cáo xuyên biên giới chưa rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến hiệu quả quản lý còn thấp" - ông Phúc nói.
* Vậy Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thời gian qua đã xử lý ra sao với những quảng cáo vi phạm pháp luật này?
- Chúng tôi đã phối hợp với Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) và các đơn vị liên quan làm việc với các đại lý quảng cáo lớn, đại diện một số công ty quảng cáo xuyên biên giới có văn phòng tại Việt Nam, yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, không vi phạm pháp luật về quảng cáo, chỉ quảng cáo cho các sản phẩm có phép, rà soát, thực hiện chặt chẽ quy trình thẩm định nội dung.
Ngoài ra, chúng tôi cũng có những giải pháp quản lý lâu dài như Bộ Thông tin và truyền thông đã trình Chính phủ sửa đổi một số điều của nghị định 181 về quảng cáo xuyên biên giới, trong đó quy định rõ tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cũng phải tuân thủ nhiều quy định.
Đó là phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và truyền thông trước khi cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; chịu trách nhiệm kiểm tra sản phẩm quảng cáo; không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.
Ngoài ra các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định; thực hiện báo cáo các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi có yêu cầu; có giải pháp để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm quy định pháp luật Việt Nam.
Chúng tôi cũng trình sửa đổi nghị định này ở chỗ bổ sung quyền và nghĩa vụ đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo khi tham gia giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam.
Hiện quản lý nhà nước về quảng cáo giao cho Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm quảng cáo đang thực hiện trên môi trường mạng, trên xuất bản phẩm và các sản phẩm, dịch vụ khác của ngành Thông tin và truyền thông. Vậy nên, theo tôi, cần thống nhất tăng thẩm quyền quản lý về một đầu mối để xử lý có hiệu quả những vấn đề mới trong thực tiễn quản lý.
* Ngoài ra Bộ Thông tin và truyền thông còn đề xuất giải pháp nào khác?
- Bên cạnh việc xây dựng chế tài xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy trình ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung quảng cáo vi phạm tương tự như đã áp dụng quy trình xử lý, ngăn chặn gỡ bỏ nội dung thông tin vi phạm nói chung tại nghị định 72/2013/NĐ-CP và thông tư 38/2016/TT-BTTTT về quản lý hoạt động cung cấp thông tin xuyên biên giới và các chế tài xử lý nếu không tuân thủ theo yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Cụ thể, chúng tôi đề xuất quy định các nền tảng mạng phải có trách nhiệm phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong thời gian 48 giờ theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Trường hợp không thực hiện, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ triển khai một trong các giải pháp: thông báo và yêu cầu các tổ chức, cá nhân không hợp tác quảng cáo với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật Việt Nam; hoặc thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm ngăn chặn quảng cáo vi phạm.
* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS):
Xuyên biên giới cũng phải kiểm soát đầu vào quảng cáo
Hiện tại, không chỉ dịch vụ quảng cáo, các công ty còn cung cấp các dịch vụ giải trí xuyên biên giới, dịch vụ mua sắm xuyên biên giới, dịch vụ học tập xuyên biên giới… Do đó cần cách tiếp cận toàn diện đối với dịch vụ kỹ thuật số, cần quy định pháp luật điều chỉnh chung về các nền tảng có tính chất xuyên biên giới này.
Đối với quảng cáo, yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm minh bạch: xác thực người quảng cáo, xác thực nội dung quảng cáo, hợp tác với cơ quan nhà nước khi có yêu cầu (quy định này sẽ là quy định chung cho tất cả các nền tảng), có đầu mối liên lạc tại Việt Nam.
Về đề xuất sửa đổi nghị định 181/2013 của Bộ Thông tin và truyền thông, trong đó yêu cầu công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới kiểm tra chất lượng sản phẩm là điều không khả khi.
* Ông Nguyễn Ngọc Dũng (phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam):
Phạt nặng để răn đe
Việc gieo rắc những quảng cáo sai sự thật nhắm vào những người bệnh nan y là thiếu nhân tính. Tôi nghĩ không hề khó để các lực lượng chức năng vào cuộc vì đối tượng quảng cáo công khai đầy đủ thông tin của mình.
Còn với các nền tảng xuyên biên giới, tôi chắc chắn họ cũng đồng lòng với chúng ta để khóa vĩnh viễn những tài khoản quảng cáo như vậy. Phạt nặng để làm gương và răn đe là những việc phải cương quyết làm ngay lúc này.
T.ĐIỂU - Đ.THIỆN ghi
Nhận xét
Đăng nhận xét