Bệnh tay chân miệng tăng: Nguy hiểm biến chứng huyết áp cao ở trẻ
Nhiều trẻ mắc tay chân miệng độ nặng ghi nhận huyết áp rất cao kèm theo biến chứng nguy hiểm khác như viêm màng não, suy hô hấp. Dấu hiệu khởi phát bệnh mờ nhạt, đo nhiệt kế thì thân nhiệt ổn định khiến nhiều phụ huynh không biết trẻ mắc bệnh này.
Huyết áp cao thường thấy ở người lớn tuổi nhưng cũng ghi nhận ở trẻ mắc tay chân miệng độ nặng.
Huyết áp cao, không dấu hiệu cảnh báo
Gần 20h ngày 14-4, các y bác sĩ khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) tất bật thăm khám, tiếp nhận bệnh nhi mắc tay chân miệng mới nhập viện, lập hồ sơ bệnh án.
Hai bác sĩ, năm điều dưỡng sẽ theo dõi, điều trị cho 134 bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm và thần kinh. Riêng tay chân miệng có 42 ca, trong đó có 3 ca độ 3 và 9 ca độ 2B - một nữ điều dưỡng tranh thủ cho biết lúc đang nhập liệu.
Các giường bệnh tại phòng cấp cứu số 1 - nơi điều trị trẻ mắc tay chân miệng độ nặng - đều chật kín, có giường hai trẻ nằm. Nằm trên giường bệnh tại phòng cấp cứu số 1, bé N.P.T. (3 tuổi, ngụ quận Tân Phú) vẫn còn hôn mê, phải kết nối với máy đo huyết áp xâm lấn đã hai ngày.
Ngồi trông con, phụ huynh bé T. rất lo lắng khi con mình bị tay chân miệng độ 3, có thể diễn tiến xấu đến độ 4 - độ nặng nhất. Biến chứng hiện bé T. mắc phải là viêm màng não, suy hô hấp, mạch nhanh, huyết áp cao.
Mẹ bé T. cho biết không như những trẻ khác khi mắc bệnh tay chân miệng sẽ có nhiều biểu hiện bên ngoài, con của chị thì không biểu hiện sốt, phát ban, đo thân nhiệt cơ thể ổn định. Tuy nhiên thấy con giật mình bất thường khi ngủ, chị đưa đến bệnh viện.
"Con vẫn vui chơi bình thường nhưng đến khi ngủ lại giật mình. Lo quá, tôi đo thân nhiệt liên tục nhưng không thấy con sốt. Lúc đến bệnh viện, bác sĩ đo thân nhiệt ở hậu môn mới biết con sốt cao 41 độ C, chọc nước dịch tủy xác định mắc tay chân miệng, huyết áp cao ngất ngưởng, có thể thở oxy lại" - phụ huynh bé T. nói và chia sẻ thêm đoạn video bé T. giật bắn người khi ngủ.
Ngoài bé T., trong phòng cấp cứu này còn có nhiều bé từ chục tháng tuổi đến 5 tuổi mắc tay chân miệng nặng, có biến chứng cao huyết áp hay các biến chứng kèm theo về thần kinh, hô hấp phải theo dõi sát.
Sau nhiều ngày điều trị tay chân miệng độ 3 tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé D.P.G.H. (5 tuổi, quê Cà Mau) đã cai máy đo huyết áp xâm lấn. Phụ huynh bé H. cho biết trước đó khi thấy con nổi phát ban đỏ ở lưng và lòng bàn tay, gia đình đưa đến bệnh viện địa phương nhưng chẩn đoán là sốt phát ban.
Tuy nhiên vài ngày sau, huyết áp bé tăng cao, đặc biệt sau khi truyền một loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Lo lắng, gia đình xin chuyển viện. "Sợ bệnh này quá, chuyển biến nhanh không trở tay kịp" - phụ huynh bé H. nói.
Trong lúc phân chia từng lọ thuốc tiêm cho bệnh nhi trong ca trực tối 14-4, điều dưỡng Dương Văn Ân cho biết những trẻ mắc tay chân miệng mức độ nặng thường huyết áp sẽ cao. Bé sẽ được kết nối với máy đo huyết áp xâm lấn để nhân viên y tế tiện theo dõi liên tục, thay vì trước đây phải đo nhiều lần.
Biến chứng tim mạch nguy hiểm
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy - phó trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, huyết áp cao thường thấy ở những người cao tuổi nhưng ở bệnh nhi mắc tay chân miệng độ nặng cũng ghi nhận huyết áp cao.
Đây là một biến chứng tim mạch của tay chân miệng, bên cạnh mạch nhanh, viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch. Ngoài ra tay chân miệng còn gây ra biến chứng viêm màng não, suy hô hấp, phù phổi cấp…
Bác sĩ Quy cho hay trẻ mắc tay chân miệng có biến chứng huyết áp cao sẽ được truyền một loại thuốc để hạ huyết áp liên tục trong vòng ba ngày, đồng thời được theo dõi huyết áp qua máy đo huyết áp xâm lấn (huyết áp hiển thị liên tục).
Theo phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế, biến chứng huyết áp cao ghi nhận ở bệnh nhi mắc tay chân miệng độ 3. Giai đoạn đầu có huyết áp tăng ≥ 100mmHg ở trẻ dưới 1 tuổi, từ 1-2 tuổi là ≥ 110 mmHg, trẻ 2 tuổi là ≥ 115 mmHg. Nếu tiếp tục chuyển nặng, huyết áp không đo được, nguy cơ tử vong rất cao.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh diễn tiến nhanh và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng thường thấy là sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phát ban dạng bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông. Tuy nhiên, có một số trường hợp không điển hình và triệu chứng trên không rõ ràng, chỉ có loét miệng, hoặc không rõ dạng bóng nước, chỉ là dạng chấm hoặc hồng ban. Điều này khiến người thân nhầm lẫn với các bệnh khác và thường chỉ phát hiện khi bệnh đã biến chứng quá nặng.
Khi trẻ có những biểu hiện ban đầu của bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phụ huynh cho trẻ nghỉ học, không tiếp xúc với trẻ khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín khám và điều trị sớm, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nhận xét
Đăng nhận xét