Làm clip xin 'vía' học giỏi từ búp bê ma, YouTuber Thơ Nguyễn nhận mưa ‘gạch đá’

Đang có một làn sóng giận dữ với YouTuber Thơ Nguyễn từ các phụ huynh vì đăng clip búp bê ma xin 'vía' học giỏi cho học sinh. Nhiều người kêu gọi tẩy chay kênh YouTube phản giáo dục này và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc.
Làm clip xin vía học giỏi từ búp bê ma, YouTuber Thơ Nguyễn nhận mưa ‘gạch đá’ - Ảnh 1.

Thơ Nguyễn đăng tải clip xin 'vía' học giỏi cho học sinh từ búp bê ma khiến phụ huynh giận dữ - Ảnh chụp màn hình

"YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip búp bê bùa ngải! Nguy hiểm thực sự với những người thiết kế nội dung cho trẻ nhỏ kiểu này". Đây là câu mở đầu trong bài đăng trên Facebook Bố Con Sâu chỉ trích clip "ma quỷ" của YouTuber Thơ Nguyễn, chỉ sau 6 giờ đã nhận 6.000 lượt tương tác, 4.400 lượt bình luận và 1.600 lượt chia sẻ.

Các bình luận đều tập trung vào việc chỉ trích clip phản giáo dục này và cả những clip nhảm nhí khác của kênh YouTube Thơ Nguyễn chuyên dành cho thiếu nhi, có tới gần 9 triệu lượt theo dõi.

Bài đăng ngày 9-3 giải thích cho clip này của Thơ Nguyễn trên trang Facebook cá nhân của cô cũng nhận vô số "gạch đá" từ các phụ huynh.

"Clip truyền tải nội dung vớ vẩn, không hề mang tính giáo dục hay giải trí cho các em nhỏ", "Từ nay con mình mà coi kênh YouTube Thơ Nguyễn là mình đập nát cái điện thoại luôn nhé", "Hỏng cả một thế hệ"… và vô số bình luận nặng lời hơn dành cho Thơ Nguyễn trên chính bài đăng giải thích về clip "bùa ngải" của cô.

Trước đó, Thơ Nguyễn đăng tải một clip 60s trên kênh TikTok hơn 900.000 lượt theo dõi của cô về việc xin 'vía' học giỏi cho các em học sinh từ búp bê ma (búp bê "bùa ngải" Kumanthong ở Thái Lan).

Trong đoạn clip này, Thơ Nguyễn đeo chiếc kính "kỳ dị" với vẻ mặt nghiêm trọng có phần hăm dọa, ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng "mẹ" và gọi búp bê là "con", dỗ dành búp bê để xin 'vía' học giỏi cho các em học sinh.

Cô cầm một sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê và nói: "Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay"…

Đục khoét tâm hồn, méo mó nhận thức của trẻ nhỏ

Bình luận về clip này, anh Lê Xuân Đức - chủ tài khoản Bố Con Sâu - viết trên trang Facebook của anh: "Trời đất ạ! Thơ đang làm cái quái gì vậy? Những nội dung này sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó tâm hồn của trẻ nhỏ. Chưa kể đến việc các bạn nhỏ sẽ học và làm theo, nhất là với người có ảnh hưởng tới các bé như Thơ Nguyễn".

Trước đó, làn sóng giận dữ từ các phụ huynh với clip này đã ầm ầm trên mạng xã hội, khiến Thơ Nguyễn ngày 9-3 phải đăng bài giải thích rằng đó chỉ là sự hiểu nhầm vì clip trên TikTok bị cắt ở giây thứ 60, thực tế clip trọn vẹn của cô chỉ đùa về búp bê bùa ngải ở phần đầu nhưng phần sau thì khẳng định búp bê của cô chỉ là búp bê thường, không xin 'vía' được, các em nhỏ muốn học giỏi thì phải chăm học.

Tuy nhiên các phụ huynh không chấp nhận giải thích này. Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online chiều 10-3, anh Lê Xuân Đức nói cho dù động cơ của Thơ Nguyễn là gì khi làm và đăng tải clip bùa ngải nói trên đều không thể chấp nhận được, gây ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ con vốn chưa có khả năng phân biệt tốt - xấu, hay - dở. Là một người làm bố, anh không thể chấp nhận được clip này dành cho trẻ nhỏ.

Theo anh Đức, không chỉ clip này, các clip khác của Thơ Nguyễn đều nhảm nhảm, hú hét, quái đản để thu hút trẻ nhỏ vốn tò mò và ngây thơ, không có nội dung mang ý nghĩa nhân văn, hay giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống, những clip chỉ "đục khoét tâm hồn, méo mó nhận thức của trẻ nhỏ".

Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội - nói, những clip kiểu này bảo rằng độc hại cũng chưa hẳn độc hại nhưng từng ngày trôi đi, rất có thể những trò nhảm nhí này sẽ ăn mòn tâm hồn trẻ.

Ông Nam giải thích: một trong những điều cấm trong Luật trẻ em là: Cấm sản xuất phát tán, kinh doanh những sản phẩm ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Nhưng, khép người đăng tải những clip nhảm nhí này vào hành vi vi phạm nào để có chế tài phù hợp thì luật của ta nhiều khi không theo kịp.

Nghị quyết 121 của Quốc hội về tăng cường các giải pháp phòng chống xâm hại trẻ em cũng giao cho Chính phủ ban hành chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bộ Thông tin - truyền thông cũng đang làm đề án cấp quốc gia về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi những biện pháp quản lý từ pháp luật, các bậc phụ huynh có thể lập tức sử dụng quyền người dùng mạng xã hội của mình là cảnh báo xấu với những kênh YouTube, những clip xấu độc.

Ông gợi ý xã hội dân sự có thể phát động những làn sóng cảnh báo hoặc sử dụng chính đội ngũ những người có ảnh hưởng tốt trên mạng xã hội để đấu tranh với những người làm xấu trên môi trường mạng

Thơ Nguyễn cũng từng bị phản đối vì clip hướng dẫn trẻ thực hành những trò "nghịch dại" rất nguy hiểm và có phần quái đản, như clip "Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ", clip bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, đun bia, nước ngọt trên bếp…

Nguồn : tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai