Bỗng nhiên 'mắc nợ' ngân hàng do trùng số căn cước công dân
Khoản này được phát sinh từ tháng 6-2019 đến thời gian tra cứu là gần 500 ngày, với tổng số nợ gốc và lãi lên đến 74 triệu đồng. Đáng nói là người có khoản nợ này trùng số căn cước công dân (CCCD) nhưng khác hoàn toàn tên tuổi với ông Giang. Người đứng tên trên hồ sơ vay là Hoàng Kim Cương.
Ẩn số đang làm rõ
Liên quan đến vấn đề này, Ngân hàng Bản Việt cho hay sau khi nhận phản ảnh, ngân hàng đã tra thông tin và phát hiện số CCCD của ông Giang trùng với một người khác đang có dư nợ tại ngân hàng là ông Hoàng Kim Cương.
Khi ngân hàng tra cứu hồ sơ thì nhận thấy hai số CCCD trùng nhau, và CCCD của ông Cương đang vay tại ngân hàng được cấp trước. Sau đó ngân hàng đã tư vấn cho ông Giang làm việc với công an để tra cứu tàng thư số CCCD của mình để làm rõ việc trùng số.
Đến khi nhận được kết quả tra cứu xác minh của công an là số CCCD này được cung cấp chính thức cho ông Giang, ngân hàng đã ra văn bản xác minh là ông Giang không có nợ vay tại ngân hàng. Đồng thời ngân hàng cũng đã làm việc với Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia VN (CIC) và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội làm rõ lại số CCCD của ông Cương để có cơ sở chỉnh lý thông tin trên CIC trong thời gian sớm nhất.
Ngân hàng Bản Việt cũng làm rõ việc đối chiếu thông tin, tiếp nhận hồ sơ từ phía nhân viên. Ngân hàng này cho hay sẽ cố gắng làm rõ sớm để xác định đúng quyền và lợi ích hợp pháp của ông Giang cũng như ông Cương. Nếu nguyên nhân do các yếu tố gian lận của nhân viên hoặc nhân sự bên ngoài ngân hàng thì sẽ tùy tính chất vi phạm để làm việc với cơ quan thực thi pháp luật.
Ứng xử sao khi không vay tiền vẫn bị đòi nợ
Cũng vô tình trở thành nạn nhân, phản ảnh đến Tuổi Trẻ, anh Tân (TP.HCM) cho hay một ngày đẹp trời anh bỗng nhận được cuộc điện thoại hỏi có phải tên là Trần Quốc Bảo hay không. Dù anh đã nói không phải tên Bảo nhưng công ty tài chính vẫn liên tục gọi điện thoại đòi tiền.
Anh Tân gọi lên tổng đài nhưng nhân viên tổng đài lại yêu cầu anh hỏi bên đang gọi đòi nợ số hợp đồng vay. Tuy nhiên không lần nào anh Tân kịp hỏi vì đang nói thì bên đòi nợ cúp máy. Do vậy anh phải lên tận công ty để khiếu nại. Công ty yêu cầu chụp thông tin thuê bao, kiểm tra thì không phải tên người vay, kết quả là anh đã được xóa số để không gọi đòi nợ.
Hiện đang nổi lên tình trạng hàng loạt trường hợp bỗng nhiên trở thành con nợ của các công ty tài chính do trước đó bị mất chứng minh nhân dân (CMND) và bị kẻ xấu lợi dụng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện FE Credit cho hay gần đây cũng liên tục nhận được phản ảnh của một số khách hàng về việc bị các kẻ lừa đảo giả mạo hồ sơ rồi vay vốn tại FE Credit.
"Trên thực tế, trong các sự việc như trên, FE Credit cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo. Hiện với những trường hợp phát hiện bị giả CMND, FE Credit đều cố gắng điều chỉnh ngay CIC cho các khách hàng trong thời gian sớm nhất có thể. Công ty cũng đang tiến hành rà soát các hợp đồng vay nhằm hạn chế tối đa các trường hợp tương tự" - đại diện FE Credit nói.
Thiếu chế tài?
Theo Bộ Công an, hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng CMND sẽ bị xử phạt theo nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt cao nhất là 6 triệu đồng. Các hành vi vi phạm bao gồm: không xuất trình CMND theo yêu cầu; không thực hiện đúng quy định về cấp mới, cấp lại, cấp đổi, thu hồi, tạm giữ; thuê, mượn hoặc cho thuê, mượn để người khác thực hiện hành vi trái pháp luật; khai man, giả mạo, cung cấp thông tin sai để được cấp CMND; làm giả, sử dụng CMND giả; thế chấp CMND để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Với quy định trên, luật sư Vũ Quang Đức - Đoàn luật sư TP.HCM - cho rằng quy định hiện hành không có chế tài cho hành vi bán CMND.
Như vậy, trường hợp cá nhân gom CMND của người khác (có được từ mua ve chai, lượm...) để bán cho cá nhân khác thì không bị xử phạt hành chính. Đây là một điểm hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng, cần phải bổ sung vào quy định.
Còn trường hợp cá nhân (vì kẹt tiền, cần 1-2 triệu đồng) bán CMND của mình, sau đó làm cớ mất để được cấp lại thì cơ quan chức năng có thể xử phạt cá nhân đó về hành vi khai man để được cấp CMND với mức phạt tiền 2-4 triệu đồng chứ cũng không xử phạt về hành vi bán CMND. Ngoài phạt tiền còn bị phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm là các CMND/thẻ căn cước đã cấp.
Tuy nhiên, với cá nhân sử dụng CMND (của mình hay của người khác do mua được) nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, vi phạm pháp luật hình sự (ví dụ lừa đảo) sẽ bị xử lý hình sự với tội danh tương ứng.
Trường hợp người bán CMND tiếp tay, thông đồng, ăn chia với đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm bồi hoàn với thiệt hại cho đối tượng bị lừa đảo, chiếm đoạt theo quy định.
Cần siết lại kẽ hở
Một cán bộ cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho hay hành vi bán CMND (của mình hoặc của người khác) hiện không có quy định chế tài và cũng chưa xử lý trường hợp nào về hành vi bán CMND. CMND thường được gom từ người nhặt rác, mua ve chai, tiệm cầm đồ...
Về phía người dân, khi họ báo mất CMND, có nhu cầu cấp lại thì cơ quan công an phải tiếp nhận giải quyết vừa để bảo đảm quyền lợi của người dân, vừa cũng để bảo đảm yêu cầu quản lý công dân. Trường hợp này không có cơ sở nào để cơ quan công an xác định người đó có thực sự bị mất hay đã bán.
Trong khi đó, hiện nay thủ tục đăng ký tài khoản ngân hàng ngày càng tiện, gọn hoặc vay tín chấp phần lớn thực hiện qua mạng, dễ dàng nên kẻ xấu lợi dụng để dùng CMND thật (giả hình ảnh, giả người) để chiếm đoạt tiền. Theo cán bộ này, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng cần có biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét