Tiết lộ, chia sẻ tên tuổi, số điện thoại trái phép: Đề xuất phạt 50 - 80 triệu đồng

Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân như tên, năm sinh, số điện thoại... mà chưa được sự đồng ý của cá nhân.

Đây là nội dung được đề cập trong dự thảo nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an xây dựng.

Theo dự thảo nghị định, dữ liệu cá nhân được chia làm hai loại. Trong đó, loại dữ liệu cơ bản gồm họ và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; nhóm máu; giới tính; số điện thoại; nơi sinh; nơi thường trú; số chứng minh nhân dân, căn cước; tình trạng hôn nhân; số giấy phép lái xe; mã số thuế cá nhân, tình trạng hôn nhân...

Loại dữ liệu cá nhân nhạy cảm gồm quan điểm chính trị, tôn giáo, tình trạng sức khỏe, dữ liệu về di truyền, tình trạng giới tính, xu hướng tình dục...

Bộ Công an đề xuất xử phạt từ 50 đến 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm danh dự của người bị tiết lộ.

Mức phạt trên cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xóa dữ liệu cá nhân trái phép...

Mức phạt từ 80 đến 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

Theo dự thảo nghị định, thẩm quyền xử phạt hành chính với các hành vi trên là cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an.

Dự thảo nghị định cho phép bên thứ ba (tổ chức doanh nghiệp, bên xử lý dữ liệu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền) có thể tiết lộ dữ liệu cá nhân mà không cần có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong các trường hợp vì lợi ích, an ninh quốc gia; công bố trên phương tiện truyền thông vì mục đích quốc phòng, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng...

Lý giải việc cần thiết đưa ra các quy định về xử lý dữ liệu cá nhân, đại diện Bộ Công an cho rằng hiện nay tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng, do vậy dự thảo nghị định được xây dựng từ yêu cầu của công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các vi phạm pháp luật liên quan.

Ngoài ra, ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các vi phạm pháp luật.

Dự thảo nghị định sẽ được xin ý kiến các bộ, ban ngành trong hai tháng.

Theo: Tuổi Trẻ 

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai