Nhà hát trăm tỉ vừa đưa vào sử dụng, gỗ ép trên mái đã rơi xuống

Nhà hát Sông Hương (Thừa Thiên Huế) vừa được đưa vào sử dụng chỉ vài tháng đã xuất hiện hư hỏng ở bộ phận trần mái. Nhiều đoạn gỗ ép trần từ trên cao rơi xuống đất gây nguy hiểm cho người đi bên dưới.
Nhà hát trăm tỉ vừa đưa vào sử dụng, gỗ ép trên mái đã rơi xuống - Ảnh 1.

Phần mái gỗ lợp bên dưới mái của Nhà hát Sông Hương bị bong tróc, rơi xuống bên dưới gây nguy hiểm - Ảnh: NHẬT LINH

Nhà hát Sông Hương nằm trong khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế (số 1 Lê Lợi, TP Huế), cạnh sông Hương thơ mộng.

Công trình này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 178 tỉ đồng, khởi công từ năm 2017 và hoàn thành bàn giao, đưa vào sử dụng vào tháng 8-2020.

Dù chỉ mới đưa vào sử dụng vài tháng nhưng phần trần mái bên ngoài nhà hát này đã xuất hiện hư hỏng. Nhiều tấm gỗ ép bên dưới mái nhà hát bị bong tróc, rơi xuống bên dưới để lộ nhiều lỗ trống lỗ chỗ bên trên.

Để đảm bảo an toàn cho người đi bên dưới, chủ đầu tư nhà hát đã cắm biển báo nguy hiểm, cấm không cho người dân đi lại bên dưới phần mái nhà để tránh bị mái gỗ ép bên trên rơi trúng đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Quang - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng miền Trung và Tây Nguyên - cho biết nguyên nhân xảy ra hư hỏng là do phần mái lợp tôn klip-lok đặc dụng với diện tích hơn 300m2 của nhà hát bị gió bão số 5 thổi bay hồi tháng 9-2020.

Sau đó do chưa thể đặt mua kịp loại tôn lợp trên từ Hà Nội vào Huế, chủ đầu tư đã phải cho lợp tạm loại tôn thường để che mưa nắng.

Nhà hát trăm tỉ vừa đưa vào sử dụng, gỗ ép trên mái đã rơi xuống - Ảnh 2.

Chủ đầu tư phải cắm biển báo để cấm người dân đi vào bên trong khu vực phần mái gỗ rơi xuống bên dưới - Ảnh: NHẬT LINH

Tuy nhiên do việc lợp tôn thường không được kín kẽ và Huế xảy ra mưa liên tiếp trong thời gian sau đó khiến nước từ phần mái nhà hát thấm xuống bên dưới, làm gỉ sét bộ phận đinh ốc đóng gỗ phần trần mái nên mới dẫn đến việc mái gỗ bị rơi xuống bên dưới.

Ông Quang cho biết ngay sau khi xảy ra vụ việc đã lắp biển cảnh báo người dân không đi lại bên dưới và đặt hàng loại tôn lợp klip-lok đặc dụng trên từ Hà Nội về Huế để lợp.

Dự kiến ngày 21-2 tới sẽ lợp lại mái, tu sửa toàn bộ và gia cố những chỗ hư hỏng của nhà hát.

Nhà hát trăm tỉ vừa đưa vào sử dụng, gỗ ép trên mái đã rơi xuống - Ảnh 3.

Nhà hát Sông Hương chỉ vừa được đưa vào sử dụng vài tháng đã xảy ra hư hỏng - Ảnh: NHẬT LINH

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về việc trước khi xây dựng nhà hát, chủ đầu tư liệu đã tính toán đến việc chống chọi với bão tố, thời tiết khắc nghiệt ở Huế hay chưa thì ông Quang nói rằng chỉ làm theo thiết kế được phê duyệt.

"Không ngờ trận bão số 5 vừa rồi có những cơn xoáy lốc cục bộ mạnh đến vậy. Lần sửa chữa này chúng tôi cũng yêu cầu phía tư vấn thiết kế nghiên cứu, gia cố phần trần và phần mái nhằm đảm bảo công trình có thể sử dụng lâu dài" - ông Quang nói.

Nguồn : tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai