Tạm giữ xe trái luật, phường bị kiện đòi bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng

Cho rằng bị UBND phường tạm giữ xe múc đất trái pháp luật hơn 400 ngày, doanh nghiệp đã kiện đòi bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng.
Tạm giữ xe trái luật, phường bị kiện đòi bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng - Ảnh 1.

Xe múc sau khi thực hiện giám định đã bị hư hỏng nặng - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Sau khi có bản án, cả doanh nghiệp và UBND phường đều kháng cáo.

Kiện vì bị giữ xe trái pháp luật

TAND quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) vừa ban hành bản án hành chính Công ty TNHH MTV TM và DV Hồng Hoa Long (Công ty Hồng Hoa Long) kiện UBND phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).

Theo đơn kiện, ngày 12-7-2019, Công ty Hồng Hoa Long và ông Lê Văn Tân ký hợp đồng kinh tế về việc thuê xe múc để sửa đường, khai thác keo, xử lý thực bì, đào hố trồng cây… tại tiểu khu 4A Cầu Đôi.

Ngày 20-7-2019, công ty đưa xe múc bánh lốp, biển số 43LA… đến làm thì cán bộ UBND phường Hòa Hiệp Bắc lập biên bản với lý do tự ý san gạt đất rừng để trồng cây và đưa xe về phường "để làm cơ sở giải quyết". Tuy nhiên, UBND phường không lập và giao bất kỳ quyết định, biên bản tạm giữ xe nào cũng như không niêm phong xe, không kiểm tra tình trạng xe…

Sau đó, UBND phường đã chuyển hồ sơ cho Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu xử lý.

Công ty cho rằng do UBND phường tạm giữ xe múc không đúng luật, dẫn đến công ty không sử dụng được xe, gây thiệt hại nên đã khởi kiện đòi bồi thường.

Theo đó, công ty yêu cầu tòa tuyên buộc UBND phường trả lại xe, đồng thời bồi thường thiệt hại trong thời gian xe bị giữ 414 ngày là hơn 1,6 tỉ đồng và tiền sửa xe theo giá thực tế.

Tạm giữ xe trái luật, phường bị kiện đòi bồi thường hơn 1,6 tỉ đồng - Ảnh 2.

Hội đồng xét xử tuyên bố việc giữ xe múc là trái luật, buộc UBND phường Hòa Hiệp Bắc trả lại xe - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trách nhiệm bên nào?

Đại diện theo ủy quyền của UBND phường Hòa Hiệp Bắc trình bày rằng trong quá trình kiểm tra phường phát hiện một trường hợp đưa xe cơ giới san ủi tác động trái phép vào đất rừng tại khu vực tiểu khu 4A, Cầu Đôi. Lúc đó, ông Lê Văn Tân tự nhận là chủ rừng, đồng thời là chủ xe múc.

Thời điểm trên, ông Tân chưa cung cấp được các giấy tờ liên quan đến việc cấp phép cũng như hồ sơ giao khoán đất rừng. Do vậy, tổ công tác đã lập biên bản, đồng thời tạm giữ xe để làm cơ sở giải quyết.

Để giải quyết sự việc, ngày 24-7-2019, phường tổ chức cuộc họp các thành phần liên quan. Xét thấy sự việc trên có nhiều tình tiết phức tạp nên thống nhất bàn giao toàn bộ hồ sơ cho hạt kiểm lâm xử lý.

Tuy nhiên, tại thời điểm bàn giao xe múc, hạt kiểm lâm đề nghị được gửi xe lại sân UBND phường vì cơ quan không có sân bãi, không có người trông giữ.

Sau khi UBND phường bàn giao hồ sơ, xe cho Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu thì phường không có cơ sở và không có thẩm quyền giải quyết nữa.

Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu lại cho rằng tại cuộc họp ngày 24-7-2019 họ đã khẳng định vụ việc không vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp. Thế nhưng một ngày sau, UBND phường lại giao cho hạt một bộ hồ sơ (bản sao) để xử lý thông tin.

Ngày 29-7-2019, đơn vị đã mời các cơ quan chuyên môn đến kiểm tra, xác minh thực tế hiện trường và đối chiếu với các quy định pháp luật thì kết luận việc đưa xe múc vào rừng để san gạt đất là không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Việc san gạt đất chỉ để sửa chữa đường vận chuyển đã có sẵn và san lấp thực bì đảm bảo phòng cháy chữa cháy…

Tuy nhiên, đại diện UBND phường Hòa Hiệp Bắc không đồng ý kết luận này và không ký vào biên bản. Hạt kiểm lâm đã báo cáo toàn bộ vụ việc cho UBND quận và Chi cục Kiểm lâm TP.

Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu cho rằng hạt không giữ xe, không có thẩm quyền xử lý, hồ sơ chỉ là bản sao nên không liên quan gì đến việc Công ty Hồng Hoa Long khởi kiện đối với UBND phường Hòa Hiệp Bắc.

Xét xử sơ thẩm, hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Hồng Hoa Long, tuyên bố việc giữ xe là trái luật, buộc UBND phường Hòa Hiệp Bắc trả lại xe.

Hội đồng xét xử cũng nhận định Công ty Hồng Hoa Long đã đưa xe không đủ điều kiện vào hoạt động nên không làm phát sinh lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác xe. Vì vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại mất thu nhập của công ty với số tiền hơn 1,6 tỉ đồng, tuyên buộc UBND phường Hòa Hiệp Bắc bồi thường hơn 14 triệu đồng tiền hư hỏng xe cho công ty.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về xe, xuất phát từ hành vi hành chính trái pháp luật của UBND phường và việc công ty đưa xe vào lưu thông, hoạt động nhưng không đủ điều kiện như trên thì lỗi dẫn đến thiệt hại, hư hỏng xe thuộc cả hai bên.

Cả hai bên đều kháng cáo

Ông Đinh Văn Tám - giám đốc Công ty Hồng Hoa Long - cho biết không đồng ý với bản án nên đã có đơn kháng cáo bản án. Tương tự, đại diện UBND phường Hòa Hiệp Bắc cũng kháng cáo vì cho rằng trách nhiệm trong sự việc không chỉ của phường mà có đơn vị liên quan.

Nguồn : tuoitre.vn

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai