'Ăn dày' trên lưng bệnh nhân?
Vụ án nâng khống giá thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ án máy xét nghiệm COVID-19 tại CDC Hà Nội, bởi chỉ một máy đã bị “thổi giá” lên hàng chục tỉ đồng và người chi trả chính là bệnh nhân.
Nguồn: Tuổi Trẻ
Ngày 2-9, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, tình trạng nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết không chỉ xảy ra ở riêng Bệnh viện Bạch Mai. Cơ quan chức năng đang làm rõ những dấu hiệu nâng khống giá thiết bị y tế, mỗi máy vài chục tỉ đồng tại một số đơn vị khác.
“Khi tôi lên xạ trị thì các bác sĩ khám tư vấn dùng máy xã hội hóa, 28 mũi xạ trị mỗi mũi 500.000 đồng. Máy xã hội hóa nghe bác sĩ nói là hiện đại hơn, tốt hơn, còn dùng máy bảo hiểm không phải đóng thêm tiền thì thế hệ cũ hơn và phải đợi vì rất đông người dùng. Đi chữa bệnh thì ai cũng như nhà tôi, có cố vay mượn cũng phải chọn thứ tốt, vì thế tôi đã đăng ký dùng thiết bị xạ trị xã hội hóa, tiền đóng một lần.
Chị Đ. (người nhà bệnh nhân)
"Thổi giá" gần 4 lần giá trị thực
Như đã thông tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, C03 ra các quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn - chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc Công ty BMS và Ngô Thị Thu Huyền - phó giám đốc.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, cho tại ngoại cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng - thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS). Các bị can này đều bị khởi tố về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, giai đoạn 2016 - 2017 Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai thực hiện liên doanh liên kết đưa nhiều thiết bị máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, lãnh đạo của công ty đã câu kết với những người khác nâng khống giá trị một số thiết bị để trục lợi.
Thời điểm tháng 3-2017, Bệnh viện Bạch Mai khai trương đưa vào sử dụng hệ thống robot trong phẫu thuật khớp và phẫu thuật thần kinh, trong đó có robot Rosa. Tại lễ khai trương,
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh (giám đốc bệnh viện thời điểm đó) đánh giá việc đưa vào sử dụng hệ thống robot nhằm "mang đến cơ hội tiếp cận phương pháp điều trị công nghệ cao cho người bệnh ngay tại Việt Nam với mức chi phí thấp hơn nhiều lần so với việc ra nước ngoài điều trị".
Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là một trong những thiết bị được Công ty BMS "thổi giá" lên gấp nhiều lần giá trị thực. Đây là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não, có xuất xứ từ Pháp. Thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính hơn 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị can Tuấn, Huyền cùng một số người liên quan đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối nâng khống lên thành 39 tỉ đồng, gấp gần 4 lần giá trị thực.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, Công ty BMS đầu tư 100% vốn khai thác theo dạng liên doanh liên kết tại Bệnh viên Bạch Mai trong thời hạn 7 năm (2017 - 2024). Công ty và bệnh viện thống nhất ăn chia 50 - 50 lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí như thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi vay ngân hàng, bảo hiểm...
Bệnh nhân chi gấp 5 lần tiền phẫu thuật
Cũng theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để đưa thiết bị y tế đã "thổi giá" vào Bệnh viện Bạch Mai. Trước khi ký hợp đồng liên doanh, liên kết, Bệnh viện Bạch Mai đã thuê Công ty VFS thẩm định giá máy robot Rosa. Hồ sơ, giấy tờ của thiết bị này đều đã bị BMS "phù phép" với một mức giá mới để bên thứ ba là VFS thẩm định.
C03 xác định một số cá nhân tại Công ty BMS và Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Nạn nhân bị các bị can chiếm đoạt số tiền lớn trong vụ án này chính là những người bệnh.
Sau khi "thổi giá" thiết bị robot Rosa rồi đưa vào sử dụng, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp 5 lần số tiền họ phải trả. Cụ thể, nếu giá mua thiết bị không bị nâng khống thì chi phí một ca phẫu thuật chỉ có giá 4,5 triệu đồng, trong khi thực tế người bệnh phải trả tới 23 triệu đồng/ca. Tính từ năm 2017 đến nay, có hàng trăm người bệnh sử dụng thiết bị này và số tiền họ bị chiếm đoạt rất lớn.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ thiết bị robot Rosa bị nâng khống giá mà cơ quan điều tra còn đang xác minh dấu hiệu sai phạm tương tự với một số thiết bị khác.
Bác sĩ tư vấn dùng máy "xã hội hóa"
Hôm nay là tròn 3 ngày vợ chồng chị T.T.Đ., 49 tuổi, ở Hải Phòng được về nhà sau 1 tháng 19 ngày chồng chị đến xạ trị chữa bệnh ung thư ở Hà Nội. Ngày đến bệnh viện lần đầu vào tháng 6 vừa qua, vợ chồng chị vét hết tiền để dành và cả tiền vay mượn mới được 60 triệu đồng. Lần đầu chồng chị mổ khối u, sau khi trừ bảo hiểm tốn hơn 10 triệu đồng. Lần 2 vợ chồng chị đến Hà Nội từ 10-7, số tiền mang theo tiêu gần hết. Lần tới đi Hà Nội truyền hóa chất cho chồng, chị sẽ lại phải vay.
"Khi tôi lên xạ trị, các bác sĩ khám đã tư vấn dùng máy xã hội hóa, 28 mũi xạ trị mỗi mũi 500.000 đồng. Máy xã hội hóa nghe bác sĩ nói là hiện đại hơn, tốt hơn, còn dùng máy bảo hiểm không phải đóng thêm tiền thì thế hệ cũ hơn và phải đợi vì rất đông người dùng. Đi chữa bệnh ai cũng như nhà tôi, có vay mượn cũng phải chọn thứ tốt, vì thế tôi đã đăng ký dùng thiết bị xạ trị xã hội hóa, tiền đóng một lần" - chị Đ. chia sẻ.
Chị Đ. chỉ là một trong hàng trăm người thân bệnh nhân sẵn sàng chi trả chi phí "xã hội hóa" cho người bệnh, nhưng họ không hề biết chi phí dịch vụ mà mình phải trả có cao hay có bất hợp lý không. Do Bộ Y tế lúng túng nhiều năm nay nhưng chưa ban hành được quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, vì thế mỗi bệnh viện/tỉnh thành lại có một mức "theo yêu cầu" riêng, và nhiều dịch vụ theo yêu cầu thuộc nhóm "xã hội hóa", sử dụng mặt bằng của bệnh viện công, thiết bị y tế do Nhà nước chi trả, nhà cửa từ ngân sách, nhà đầu tư chỉ sửa chữa, cho thêm quạt, tủ lạnh, điều hòa và thu phí dịch vụ theo yêu cầu.
Một chuyên gia y tế cho biết thông thường tỉ lệ chia lãi từ dịch vụ y tế giữa bệnh viện và nhà đầu tư là 50 - 50, thậm chí trước đây có thời điểm chia 70 (nhà đầu tư) - 30 (bệnh viện). Giá thiết bị đã bị đẩy cao, chi phí khấu hao thiết bị rất lớn và lợi nhuận giảm đi, có bệnh viện chia 50 - 50 nhưng mỗi lần chụp cộng hưởng từ bằng thiết bị xã hội hóa, bệnh viện chỉ được chia lợi nhuận là... 50.000 đồng, nhà đầu tư cũng được chia 50.000 đồng. Tuy nhiên thực tế lợi nhuận từ hoạt động liên doanh liên kết này là bao nhiêu thì chỉ có người trong cuộc mới rõ.
Tạm dừng hoạt động robot Rosa
Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng cho rằng việc lãnh đạo Công ty BMS bị cơ quan công an tạm giam điều tra liên quan vụ việc bán thiết bị cho Bệnh viện Bạch Mai ông mới đọc trên báo. Theo ông Hùng, vụ việc này công an đang điều tra, bệnh viện không nắm được và hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Ông Hùng cũng cho biết khi Bệnh viện Bạch Mai mua thiết bị có bên thứ ba là công ty có chức năng và chuyên môn thẩm định giá. Bệnh viện không đủ khả năng để xem giá chính xác, nhất là khi thiết bị lần đầu tiên được đầu tư và sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau khi đi vào vận hành tháng 3-2017, các thiết bị này hoạt động rất đì đẹt, số lượng bệnh nhân có nhu cầu phẫu thuật này không đạt như kế hoạch, hiện thiết bị này đang bị tạm dừng hoạt động.
Nhận xét
Đăng nhận xét