Thuốc lá: Thu 300 tỉ USD, thiệt hại 1.400 tỉ USD và hàng triệu nhân mạng
Tổng số tiền thuế các nước thu được từ các doanh nghiệp thuốc lá là 269-300 tỉ USD/năm, nhưng cái giá phải trả cao gấp nhiều lần: hơn 8 triệu người chết mỗi năm, môi trường bị tàn phá, tổn thất kinh tế 1.400 tỉ USD, bằng 1,8% GDP toàn cầu.
Trước thềm Ngày thế giới không thuốc lá 31-5, WHO cho biết có đến 44 triệu trẻ em ở độ tuổi từ 13-15 đang hút thuốc lá, trong khi nhiều trẻ dưới 13 tuổi có thể được thêm vào danh sách này...
"Sát thủ thầm lặng"
Thuốc lá là sát thủ thầm lặng vì nó không làm chết người hút ngay lập tức nên ít ai để ý đến tác hại của nó. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong khói thuốc có chứa đến 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 70 chất đã được nhìn nhận là gây ung thư cho người. Do đó, người nghiện thuốc thường bị phát sinh các chứng ung thư (20 loại), các bệnh tim mạch và đường hô hấp cũng như một số vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe khác.
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có hơn 8 triệu người tử vong vì các bệnh do hút thuốc gây ra. Trong đó, 7 triệu người là dân nghiện hút và 1,2 triệu người là những người "hít khói thuốc thụ động", tức là họ mắc bệnh vì thường xuyên sống trong môi trường nhiều khói thuốc dù bản thân họ không hề hút. Đây là những người chết rất oan uổng do sự nghiện ngập của kẻ khác.
Tổn thất do việc hút thuốc mang lại về kinh tế là rất lớn. Theo nghiên cứu của WHO và Hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), hàng năm toàn thế giới phải chi ra 422 tỉ USD cho việc điều trị các bệnh do hút thuốc gây ra. Nếu tính cả các tổn thất về kinh tế do sụt giảm năng suất lao động và chết sớm (của bệnh nhân), con số tổn thất kinh tế lên đến 1.400 tỉ USD, bằng 1,8% GDP toàn cầu.
Nếu so với tổng số tiền thuế các nước thu được từ các doanh nghiệp thuốc lá 269 - 300 tỉ USD/năm thì rõ ràng quá thấp so với tổn thất kinh tế do thuốc lá gây ra. Ở Mỹ, chi phí điều trị các bệnh do hút thuốc là 170 tỉ USD/năm, còn ở Việt Nam, theo số liệu của Vietnam Insider, chi phí điều trị là 31,66 ngàn tỉ đồng/năm, nếu tính cả tổn thất kinh tế thì lên đến 84,6 ngàn tỉ đồng.
Theo thống kê của Tobacco Atlas, hiện toàn thế giới có 1,3 tỉ người nghiện hút, 80% số này thuộc những quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình. Trung Quốc là nước có người nghiện hút cao nhất thế giới với 50% người độ tuổi trưởng thành hút thuốc, tiêu thụ bình quân 2.043 điếu/người hàng năm.
Thống kê năm 2018 của Statista cho thấy Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ thuốc hút lớn nhất thế giới với 2.368 tỉ điếu. Việt Nam cũng là nước tiêu thụ thuốc hút khá cao với 1.050 điếu/người hàng năm và tiêu thụ 80 tỉ điếu, xếp thứ 10 thế giới.
Mỗi năm khoảng 40.000 người Việt chết do hút thuốc
Một nghiên cứu của WHO công bố năm 2018 cho thấy ở Việt Nam, cứ 2 người nam độ tuổi trưởng thành thì có gần 1 người hút thuốc (tỉ lệ 45,3%). Thêm vào đó, khoảng 34,5 triệu người Việt khác là bị "hít khói thuốc thụ động" ở tại gia đình, hàng quán, khách sạn và nơi làm việc. Điều này làm họ bị tăng 30% nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do hút thuốc (tỉ lệ 99 người/100.000 dân).
Năm 2017, ở khu vực Đông Nam Á, Myanmar là nước có tỉ lệ người tử vong do hút thuốc cao nhất thế giới với 175 người trên 100.000 dân, kế đó là Lào và Philippines với 141 người, Campuchia là 138 người, Indonesia là 116 người, Malaysia là 99 người/100.000 dân.
Chỉ có Thái Lan thấp nhất khu vực với 58 người. Trung Quốc 120 người/100.000 dân nhưng lại là nước có số người tử vong cao nhất thế giới (2,2 triệu người), chiếm 21% tổng số người chết vì hút thuốc toàn cầu năm 2017.
Cũng theo WHO, trong thế kỷ 20 - thời kỳ mà việc hút thuốc rất phổ biến, đã có 100 triệu người chết vì các bệnh tật phát sinh từ hút thuốc. Hiện thời, trên quy mô toàn cầu, cứ mỗi 10 người tử vong thì có 1 là do hút thuốc, từ 30-50% số người nghiện chết sớm từ 5 - 15 năm.
WHO dự báo nếu các nước không tăng cường các biện pháp kiểm soát và phòng chống hút thuốc thì đến năm 2030 sẽ có khoảng 175 triệu người chết vì bệnh tật do thuốc lá gây ra, và đến cuối thế 21, con số người chết vì hút thuốc sẽ lên đến 1 tỉ người.
Theo Tổ chức nghiên cứu Research & Market, ngành công nghiệp thuốc lá thế giới có trị giá lên đến 888 tỉ USD (năm 2018), dự kiến năm 2024 sẽ tăng lên 1.124 tỉ USD. Hàng năm, các hãng sản xuất thuốc lá đưa ra thị trường thế giới khoảng 6 ngàn tỉ điếu thuốc.
Điều trớ trêu là 4 đại gia thuốc lá hàng đầu thế giới như Altria (trước đây là Philip Morris) của Mỹ, British American Tobacco và Imperial Tobacco của Anh, và Japan Tobacco của Nhật, đều thuộc những quốc gia phát triển và giàu có, nhưng thị trường tiêu thụ chủ yếu của các hãng này lại là những nước nghèo, nơi số người hút thuốc ngày càng tăng.
Riêng ở Trung Quốc, sản xuất kinh doanh thuốc hút là độc quyền của nhà nước với đại diện duy nhất là Công ty thuốc lá quốc gia, đây cũng là hãng thuốc lá lớn nhất thế giới.
Tàn phá môi trường
Để sản xuất ra lượng thuốc hút khổng lồ cần đến 32,4 triệu tấn lá thuốc tươi (sau khi sấy còn 6,48 triệu tấn lá thuốc khô), 4 triệu hecta đất nông nghiệp màu mỡ ở 125 nước đã bị chuyển sang chuyên canh cây thuốc lá. Thêm vào đó là 200.000 hecta rừng bị phá mỗi năm để lấy đất trồng thuốc lá và lấy gỗ để sấy lá thuốc.
Việc canh tác và sản xuất thuốc lá hàng năm thải ra môi trường 84 triệu tấn khí CO2, tiêu thụ 22 tỉ m3 nước và 21 triệu tấn nhiên liệu. Đó là chưa kể đến hàng chục triệu tấn phân bón hóa học, thuốc trừ sâu đã sử dụng, dư lượng của các chất này phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí tại nơi canh tác và các khu vực phụ cận.
Việc canh tác cây thuốc lá trong thời gian dài cũng làm đất bạc màu do cây sẽ hút hết các chất phốtpho, nitơ và kali có trong đất.
Thuốc lá còn gây ô nhiễm môi trường với số tàn thuốc (có đầu lọc) thải bỏ sau khi hút. Hàng năm có khoảng 5 nghìn tỉ đầu lọc thuốc lá bị vứt bỏ khắp nơi, trên đường và các khu vực công cộng. Đầu lọc thuốc lá không thể tái chế, nên đây vẫn là một bài toán chưa có lời giải cho cơ quan bảo vệ môi trường các nước.
Làm giảm hay tăng nguy cơ nhiễm virus corona?
Trong lúc đại dịch COVID-19 đang hoành hành, các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành một số cuộc khảo sát về mối liên quan giữa hút thuốc và tỉ lệ nhiễm virus corona ở nước này. Kết quả cho thấy những người nghiện hút có tỉ lệ mắc bệnh rất thấp, chỉ có 3,8%, so với những người không hút thuốc.
Ở Anh, một nghiên cứu khác cho thấy chỉ 5% số người nhiễm là hút thuốc, chỉ bằng 1/3 tỉ lệ nhiễm toàn quốc là 14,4%. Ở Pháp, tỉ lệ người nghiện hút bị nhiễm thấp hơn 4 lần so với người không hút.
Trước đó, một thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy trong tổng số 7.000 người đã xét nghiệm dương tính với virus corona, chỉ có 1,3% là người nghiện hút.
Từ những con số này, có ý kiến cho rằng khói thuốc - bằng cách nào đó chưa rõ - đã ngăn chặn tiến trình phá hoại phổi của virus corona.
Nhưng đây chỉ là những nghiên cứu ban đầu với số lượng khảo sát khá ít (vài trăm đến 1.000 bệnh nhân) và thông tin thu thập chưa đầy đủ.
Trong khi đó, Báo cáo của Liên minh Phòng chống lao và bệnh phổi cho biết những người hút thuốc dễ nhiễm COVID-19 hơn những người không hút thuốc, do hành động đưa tay lên miệng khi hút thuốc dễ tạo cơ hội cho virus xâm nhập cơ thể nếu tay dính virus.
Việc sử dụng chung các dụng cụ để hút thuốc như điếu cày hút thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ lây lan trong trường hợp đã có người trong nhóm dùng chung ống điếu nhiễm virus.
Nghiên cứu khoa học được công bố trên tạp chí y học New England cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ phải chăm sóc đặc biệt, thở máy hoặc tử vong cao gấp 2,4 lần khi mắc COVID-19.
Nghiên cứu trên gần 1.100 người mắc COVID-19, gần 17% người có triệu chứng nghiêm trọng nhất là người hút thuốc lá, trong khi người không hút thuốc chỉ chiếm 5%.
Ngay cả với thuốc lá điện tử, đã có bằng chứng cho thấy việc phơi nhiễm với khí do thuốc lá điện tử tạo ra, bất kể dung dịch là nicotine, hương liệu hay các chất khác đều có hại cho tế bào phổi, làm tổn thương mô phổi và làm tăng tình trạng viêm nhiễm.
Nhận xét
Đăng nhận xét