Dự án BOT nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương: 2,7km làm 5 năm không xong

Tính từ ngày cơ quan chức năng ở TP.HCM ra 'tối hậu thư' 90 ngày cho nhà đầu tư để xem xét hợp đồng BOT đã ký, đến nay chỉ còn 5 tuần lễ nhưng ở công trường không có động tĩnh gì của việc xây dựng.
Dự án BOT nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương: 2,7km làm 5 năm không xong - Ảnh 1.

Một nhánh cầu thuộc điểm đầu dự án BOT đường nối Võ Văn Kiệt thi công dang dở - Ảnh: ĐỨC PHÚ

Dự án BOT từ đường Võ Văn Kiệt nối cao tốc TP.HCM - Trung Lương (giai đoạn 1) dài 2,7km khởi công cách đây 5 năm, đến nay đã bị trễ tiến độ. Nhà đầu tư đã dừng thi công dù công trình dang dở.

Trong khi đó, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) cũng đã xác minh, thu thập tài liệu về hợp đồng ký với nhà đầu tư dự án này.

Công trường hoang vắng Khởi công vào cuối tháng

10-2015, dự án trên được dự tính là một công trình giao thông trọng điểm góp phần "chia lửa" với quốc lộ 1 đoạn cửa ngõ phía tây qua huyện Bình Chánh vốn đang quá tải, ùn tắc triền miên, giúp người dân đi từ trung tâm TP tới cao tốc TP.HCM - Trung Lương gần hơn.

Theo hồ sơ được duyệt, đường nối dài 2,7km bắt đầu từ nút giao cầu vượt Võ Văn Kiệt - quốc lộ 1 đến điểm giao với đường dẫn vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương (nay là đường Võ Trần Chí), quy mô dự án gồm: 2 đường song hành hai bên theo tiêu chuẩn đường đô thị, mỗi đường có 1 làn xe hỗn hợp và 1 làn ôtô.

Ở đầu tuyến, nhà đầu tư sẽ hoàn thiện nút giao với quốc lộ 1 - Võ Văn Kiệt theo quy hoạch, còn cuối tuyến sẽ xây mới nút giao Tân Kiên và cầu vượt.

Theo hợp đồng đã ký, dự án này lẽ ra phải hoàn thành vào cuối năm 2017. Vậy mà cuối tháng 5-2020, trở lại đại công trình này vẫn không thấy người thi công. Tại điểm đầu dự án, rào chắn công trình đã dỡ đi, không thấy máy móc cùng công nhân, thậm chí bảng thông tin công trình cũng không có.

"Bà con tới uống nước cứ hỏi cái nhánh cầu làm gì thấy kỳ kỳ. Làm mới nhú ra được một đoạn thì ngưng giữa chừng" - anh Tâm, người bán nước gần công trình, nói.

Còn ở cuối tuyến giáp với đường Võ Trần Chí, người dân khu vực này cho biết công nhân rời công trường cả năm qua. Tại vị trí làm nút giao và cầu vượt hiện chỉ thấy 2 trụ cầu và 1 mố cầu, không có một hoạt động nào chứng tỏ công trình đang hoạt động.

Cạnh các trụ cầu có một nhà xây tạm cho công nhân ở nay cũng đã dỡ cả mái tôn, trong phòng tấm nệm đã mọc rêu.

"Tối hậu thư" 90 ngày

Hợp đồng được TP.HCM ký với Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (nhà đầu tư) vào ngày 25-6-2016. Trong hợp đồng, nguồn vốn khoảng 1.557 tỉ đồng, vốn do nhà đầu tư tự thu xếp, trong đó vốn chủ sở hữu (vốn góp) khoảng 14,8%, vốn vay từ ngân hàng là 85%.

Khi làm xong công trình, nhà đầu tư được đặt một trạm thu phí tại km 0+990 trên đoạn đường này để thu phí hoàn vốn với thời gian dự kiến khoảng 17 năm 8 tháng. Còn TP sẽ chi ngân sách để giải phóng mặt bằng cho dự án, ước tính khoảng 560,8 tỉ đồng.

Trước nguy cơ ngưng trệ dự án, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã phối hợp với đơn vị liên quan đi khảo sát và thấy nhà đầu tư ngưng thi công hoàn toàn nên đã gửi nhiều văn bản nhắc nhở và "cảnh báo" về việc nhà đầu tư vi phạm hợp đồng.

Tổng sản lượng xây lắp của dự án quá thấp: chỉ đạt 140 tỉ đồng, tương đương với 12% của tổng mức đầu tư, trong khi thời gian thực hiện dự án đã kết thúc. Dù nhiều lần sở yêu cầu, nhưng nhà đầu tư không cung cấp đầy đủ hồ sơ tài liệu về việc chứng minh nguồn tài chính và đảm bảo yêu cầu thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện dự án đúng quy định.

Theo sở, nhà đầu tư đã vi phạm nhiều điều khoản trong hợp đồng BOT đã ký, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. "Công ty sớm khắc phục các vi phạm hợp đồng trong vòng 90 ngày kể từ ngày nhận văn bản (ngày 7-4-2020 - PV) để xem xét khả năng tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT" - sở gửi thông báo tới nhà đầu tư.

Nhưng "tối hậu thư" sắp qua mà công trình vẫn không thấy rục rịch gì...

Công an đang xác minh

Công ty Yên Khánh do bà Vũ Thị Hoan là cựu giám đốc. Bà Hoan từng tham gia nhiều dự án BOT khác.

Hiện bà Hoan đang là bị cáo trong vụ án liên quan đến ông Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) - cựu lãnh đạo Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến. Bà Hoan cũng là bị can trong vụ án liên quan việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Một nguồn tin của Tuổi Trẻ cho hay Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu đã có văn bản gửi tới Sở Giao thông vận tải TP.HCM về đề nghị xác minh, thu thập tài liệu về hợp đồng BOT đã ký với Yên Khánh.

Bên sở đã thông tin lại về tình hình thực hiện hợp đồng, chủ trương, hình thức đầu tư, thủ tục lựa chọn chỉ định nhà đầu tư để đi đến việc ký kết hợp đồng.

Nguồn : https://tuoitre.vn/du-an-bot-noi-cao-toc-tp-hcm-trung-luong-2-7km-lam-5-nam-khong-xong-20200530082129768.htm

Nhận xét

XEM THÊM

Người dân có thể tra cứu chứng nhận tiêm chủng trên “Sổ sức khỏe điện tử”

Bình Dương: Giám đốc người Trung Quốc giết bạn gái, tự sát không thành khi công an truy đuổi

10 người chết, nhiều người bị chôn vùi do sập tường đang xây ở Đồng Nai